Lựa chọn nguyện vọng đại học chịu tác động bởi yếu tố nào?

01/04/2023, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bên cạnh câu chuyện bài vở, thi cử, học sinh cuối cấp THPT còn đối mặt với áp lực đứng trước bước ngoặt của cuộc đời khi phải chọn ngành, chọn trường phù hợp.

UEF anh 1

Không đến 3 tháng nữa là thi tốt nghiệp THPT, nhưng Nguyễn Thanh Phương (quận 3, TP.HCM) vẫn chưa xác định được sẽ học ngành nào hay chọn trường đại học nào. Dù đạt học lực khá - giỏi suốt quãng thời gian đi học, Phương vẫn băn khoăn, không tự tin khi xem xét các nguyện vọng.

“Em thấy mình học tốt ngoại ngữ và thích tìm hiểu về văn hóa nhưng nếu nộp hồ sơ vào các trường top, em sợ mình không cạnh tranh được. Thấy bạn bè chọn nhiều trường và các ngành ‘hot’ em cũng muốn thử nhưng sợ không hợp lại dang dở”, Phương chia sẻ.

Không chỉ thi cử, việc chọn ngành hay trường đại học cũng trở thành thử thách với nhiều học sinh THPT cuối cấp. Tình trạng thiếu thông tin hay chạy theo xu hướng là yếu tố khiến sĩ tử rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường” vì mãi không xác định được ngành học cho tương lai.

Quyết định chọn ngành học không hề dễ dàng

Việc lựa chọn ngành học để theo đuổi trong tương lai là quyết định không dễ dàng với các bạn học sinh. Nhiều nghiên cứu và báo cáo chỉ ra thực trạng có không ít sinh viên học tại các trường đại học không hiểu về mục tiêu nghề nghiệp hay định hướng cơ hội việc làm.

UEF anh 2

Nhiều sĩ tử vẫn đang gặp áp lực khi chọn ngành học.

Các chuyên gia giáo dục chỉ ra những quyết định chọn ngành học thiếu sự tham khảo, đầu tư hay chỉ chạy theo xu hướng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này. Mặt khác, việc tiếp nhận thông tin thiếu chọn lọc từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Tiktok khiến nhiều học sinh bối rối khi chọn ngành, tìm trường.

Phạm Ngọc Hồng Nhung (học sinh lớp 12, TP Thủ Đức) dành sự yêu thích cho các môn ngoại ngữ. Dự định thi vào ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng từ thời điểm xem các video chia sẻ trên mạng xã hội rằng ngành này khó tìm việc, khó định hướng khi ra trường, nữ sinh này lại chần chừ và muốn đổi ngành.

“Em lo lắng ngành mình chọn sau 4 năm sẽ bị bão hòa, khó tìm việc nên đang có ý định chuyển sang ngành khác. Thế nhưng em vẫn chưa xác định được mình muốn học gì. Năm nay, quy chế điền nguyện vọng cũng có thay đổi, nên em vẫn đang cân nhắc”, Hồng Nhung cho hay.

Nhiều chuyên gia nhận định bên cạnh những lo lắng về tương lai ngành học, các thí sinh vẫn còn chịu áp lực từ cảm giác thua kém hay thiếu tự tin với bạn bè khi chọn ngành không “hot” hay không theo xu hướng. Với áp lực phải “bằng bạn bằng bè”, không ít học sinh lớp 12 quyết định chạy theo ngành học mà bản thân không thật sự yêu thích, đam mê.

Theo học các môn xã hội, nhưng đến thời điểm chọn ngành, Phan Minh Quý (Long Khánh, Đồng Nai) lại muốn xét tuyển và thi theo khối các môn khoa học tự nhiên. Nam sinh nghe nhiều nhận xét cho rằng theo đuổi các ngành khoa học xã hội sẽ có cơ hội nghề nghiệp thấp hơn.

UEF anh 3

Không ít thí sinh gặp tâm lý “chạy theo xu hướng” khi chọn ngành.

“Em từng nghĩ mình sẽ theo học ngành Xã hội học nhưng cũng nghe nhiều người nói học các ngành này khó xin được việc sau này. Em khá phân vân vì nếu thi các ngành thiên hướng khoa học tự nhiên thì sợ lên chương trình đại học sẽ không theo nổi”, Minh Quý chia sẻ.

Không ít thầy cô từng công tác tư vấn tuyển sinh chia sẻ nếu các sĩ tử vẫn còn đang gặp khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, có thể tìm đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh như bố mẹ, anh chị em, thầy cô để họ đưa ra lời khuyên hữu ích, phân tích các lựa chọn, từ đó đưa ra quyết định dễ dàng hơn.

Song song, các bạn học sinh có thể tham gia những buổi định hướng chọn ngành, chọn trường đại học, các buổi tư vấn tuyển sinh để có thêm nhiều thông tin về các trường đại học chất lượng tốt, từ đó tìm ra được chuyên ngành và môi trường học tập phù hợp với mong muốn của mình.

Trăn trở của bố mẹ đặt áp lực cho con trẻ

Ngoài những so sánh với bạn đồng trang lứa hay cùng thế hệ, nhiều thí sinh còn gặp áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ. Theo báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 do tổ chức IRL (Indochina Research Ltd) thực hiện, hơn 54% người tham gia khảo sát trong độ tuổi 19-25 đồng ý với ý kiến rằng họ gặp áp lực khi phải học tập theo định hướng của gia đình.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra sự khác biệt thế hệ ảnh hưởng đến việc cha mẹ quan tâm không đúng cách và tạo nên những suy nghĩ tiêu cực, áp lực vô hình lên con cái. Trong đó, việc cha mẹ cũng ít nhiều can thiệp vào những quyết định về tương lai của con cái như học ngành gì, trường nào…

Trần Hồng An (TP Tân An, Long An) đang phải thuyết phục gia đình để được theo học ngành Thiết kế đồ họa mà nữ sinh này yêu thích. Gia đình định hướng Hồng An học ngành Bảo vệ thực vật hoặc Thú y để tiếp quản cửa hàng kinh doanh của gia đình nhưng cô bạn từ chối.

“Trước đó, anh tôi thi vào trường Y cũng khác với định hướng của ba nhưng vì tâm lý ‘trong nhà nên có bác sĩ’ nên ba đồng ý. Năm nay, tôi cũng muốn mình chọn được ngành học mình thích thay vì phải theo mong muốn của ba mẹ”, nữ sinh tâm sự.

Trong khi đó, chị Lưu Hà Phương (47 tuổi, TP Thủ Đức) đang bất đồng với con gái khi muốn con thi vào ngành Dược vì gia đình có người đã làm ngành này. Thời gian học dài hơn, nhưng nhu cầu của xã hội cao nên không sợ thất nghiệp. Tuy nhiên, con gái chị Phương lại muốn học Ngôn ngữ Nhật.

“Tôi muốn con theo ngành học ổn định, lương bổng cũng cao nhưng con nhất quyết không chịu, chỉ thích học ngành ngôn ngữ, sau này đi du học. Không phải điều kiện gia đình không có, nhưng tôi vẫn e ngại con quyết định sai lầm rồi dở dang”, chị Phương cho hay.

UEF anh 4

Học sinh có thể tìm hiểu ngành học từ các buổi tư vấn tuyển sinh.

Đứng từ góc nhìn của phụ huynh, không ít người cho rằng con trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm hay sự chín chắn trong từng quyết định của bản thân, nên các em cần sự định hướng từ bố mẹ.

Tình trạng phụ huynh muốn quyết định ngành học hay cả con đường tương lai cho con cái không hiếm tại Việt Nam. Thậm chí, vào mùa thi, sự căng thẳng của các ông bố bà mẹ còn lớn hơn cả sĩ tử. Chính những lo lắng và kỳ vọng này đã vô tình đặt thêm áp lực lên vai các thí sinh trong mùa thi cử.

Với trường hợp này, các chuyên gia nhận định trong thời điểm cận kề ngày thi, bố mẹ nên là điểm tựa cho các thí sinh hơn là nguồn cơn gây áp lực hay gánh nặng đè lên vai con. Sự thấu hiểu từ các bậc phụ huynh sẽ phần nào tạo được tâm lý thoải mái khi các bạn bước vào phòng thi.

Mặt khác, phụ huynh cũng có thể hỗ trợ, khuyến khích và cùng con tìm hiểu các hình thức xét tuyển phù hợp với năng lực, nguyện vọng hoặc tìm đến các hình thức xét tuyển sớm để giải tỏa lo âu, căng thẳng.

UEF anh 5

Xét tuyển học bạ là phương thức giúp giải quyết nhiều nỗi lo của học sinh, phụ huynh.

Hiện rất nhiều trường ĐH mở rộng phương thức xét tuyển, nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ sớm để giúp thí sinh sớm tìm được ngôi trường phù hợp, an tâm bước chân vào cánh cửa đại học, giúp phụ huynh bớt nỗi lo về tương lai con cái.

Đơn cử, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) có nhiều hình thức xét tuyển từ xét tuyển học bạ THPT đến xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, UEF dự kiến dành 70% chỉ tiêu xét học bạ, gồm xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%). Điểm trung bình xét tuyển cả 2 phương thức là 18 điểm cho tất cả ngành đào tạo.

Chưa kể, nếu cả học sinh lẫn phụ huynh đều vẫn băn khoăn về ngành học có thể tìm kiếm sự tư vấn từ nhà trường, từ đó xác định sớm ngành học muốn theo đuổi và nộp hồ sơ sớm để lấy ưu thế “chắc suất” vào đại học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lựa chọn nguyện vọng đại học chịu tác động bởi yếu tố nào?