6. Chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.
7. Các giảng viên đi dạy thỉnh giảng ở trường đại học khác đa phần chỉ được thanh toán phần tiền lương trả theo từng tiết học sau mỗi một học kỳ mà chưa được hưởng các chế độ ưu đãi khác, không tạo động lực để giảng viên gắn bó với trường mình tham gia thỉnh giảng.
Như tôi có trình độ tiến sĩ đi dạy thỉnh giảng ở mấy trường đại học, chỉ được nhận tiền lương là 150.000 đồng/1 tiết học sau khi kết thúc một học kỳ. Mức lương này cũng đã là cao hơn hẳn một số trường đại học khác. Có trường chỉ trả mức lương vô cùng thấp cho giảng viên có trình độ thạc sĩ là 80.000 đồng/1 tiết học, tiến sĩ là 100.000 đồng/1 tiết học. Chưa kể là thu nhập thực tế được nhận còn bị trừ đi 10% thuế thu nhập cá nhân.
Để học xong tiến sĩ tốn biết bao nhiêu tiền, đổ mất bao nhiều mồ hôi thậm chí là nước mắt nhưng đi dạy với mức lương quá thấp như thế không biết đến khi nào mới bù lại được số tiền đã bỏ ra để đi học. Ngoài tiền dạy ra, giảng viên thỉnh giảng không được hưởng thêm các chế độ khác nên đa phần giảng viên thỉnh giảng chỉ đến dạy xong là về, không tâm huyết với công việc của mình.
Với một số bất cập đã nêu ở trên, tôi thấy là việc xây dựng Luật Nhà giáo là vô cùng cấp thiết và sẽ khắc phục được nhiều bất cập hiện nay. Bởi lẽ, chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc thù lao động nhà giáo là ở chỗ sản phẩm lao động của nhà giáo là con người, là hướng đến việc hình thành và xây dựng năng lực và phẩm chất người học. Con người là quan trọng nhất. Do đó, môi trường hoạt động nghề nghiệp cần có chế độ làm việc chuyên nghiệp, đặc thù, không nên áp dụng chung với các đối tượng khác.
Tôi tin tưởng và hy vọng rằng đội ngũ cán bộ xây dựng Luật Nhà giáo sẽ nghiên cứu, soạn thảo các chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo, phù hợp nghề nghiệp, động viên nhà giáo; Tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; Có khung chính sách để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo. Có chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Khẳng định vị trí vai trò, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo.
Luật hóa với những quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, quy định về các tiêu chuẩn khác đối với nhà giáo; Quy định về quyền được mời giảng và dạy thêm của nhà giáo. Có chính sách ưu tiên tuyển sinh, đào tạo tuyển dụng, sử dụng đối với nhà giáo; bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo và tôn vinh những tấm gương sáng nhà giáo mẫu mực.
Quan tâm đến các tiêu chí chung của pháp luật về nhà giáo để bảo đảm tính toàn diện, tính đồng bộ, tính thống nhất; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Việc xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, chất lượng nhà giáo trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, mà còn là động lực để thầy, cô giáo gắn bó hơn, trách nhiệm hơn, yêu nghề hơn và gắn bó với sự nghiệp trồng người cao quý mà mình lựa chọn.
Trong quá trình soạn thảo Luật Nhà giáo, các nhà soạn thảo cần khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành và trở thành niềm tin của đội ngũ giáo viên.