Hành vi của Khanh sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Theo quy định hiện nay, tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017): Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.
“Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động”- luật sư Tuấn cho hay.
Phan Công Khanh bị tạm giữ. Ảnh: PLO
Cũng theo luật sư Tuấn, hành vi của Khanh được nêu ở trên là nhằm chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.
"Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự”- luật sư Tuấn nói thêm.
Theo vị luật sư này, trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021.
Theo đó, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng kèm các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
“Như vậy, người nào có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ chứng cứ trong quá trình điều tra”- luật sư Tuấn nói.