Ra được một đề thi hay - không dễ dàng, điều này trước hết đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...

Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Bộ GD&ĐT đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực, đề thi, kiểm tra Ngữ văn có những luồng gió mới. Đã xuất hiện không ít đề thi hay, mới mẻ, khơi gợi cảm hứng, sự sáng tạo, đóng góp nổi bật phải nói đến TPHCM.

Một số đề Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi thành phố của địa phương này đem đến nhiều cảm xúc bởi sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức ra đề. Nổi bật là sự khéo léo trong chắt lọc nội dung và gắn kết một cách uyển chuyển, phù hợp với thực tế đời sống, lứa tuổi học sinh; đưa vấn đề mới mẻ, giúp học sinh khơi gợi được suy nghĩ, cảm xúc. Trong đó, gần đây nhất là đề Ngữ văn thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2022 - 2023 diễn ra ngày 7/3. Đề thi đưa ra yêu cầu xoay quanh một chủ đề xuyên suốt là “gọi đời vào trong chữ” một cách hết sức sáng tạo. Đặc biệt, câu nghị luận xã hội mở, cho học sinh quyền lựa chọn đề tài bài viết qua các từ khóa, kích thích tự do bày tỏ chính kiến, thể hiện sự sáng tạo bản thân.

Tuy nhiên, còn không ít địa phương ra đề theo lối mòn, nhiều năm không có sự đổi mới, đó là lối “tầm chương, trích cú”, khuôn sáo, ít gợi sự tươi mới và chất văn. Suy nghĩ đề thi dành cho học sinh giỏi phải thật khó, thật lạ cũng khiến không ít đề thi vượt quá năng lực học sinh. Trong khi, yêu cầu với một đề thi trước hết là tuân thủ các yêu cầu của chương trình, phù hợp yêu cầu cần đạt đề ra trong chương trình môn học.

Một giáo viên có kinh nghiệm ra đề cho rằng, về hình thức, đề dành cho học sinh giỏi phải thể hiện cấu trúc theo tiêu chí của kiểm tra năng lực, phẩm chất người học. Về nội dung, đề phải được xây dựng trên mức độ nhận thức của học sinh dự thi, phù hợp, vừa sức và kích thích được tư duy sáng tạo. Đề thi học sinh giỏi không phải để đánh đố, hoặc thách thức, mà cần phân phối hài hoà giữa các đơn vị kiến thức cơ bản và nâng cao để phân loại được học sinh khá, giỏi.

Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá luôn có tác động trở lại rất sâu sắc đối với cách dạy, cách học của giáo viên, học sinh. Cũng bởi vậy mà đây từng được chọn là khâu đột phá khi triển khai đổi mới giáo dục. Riêng với môn Ngữ văn, năm 2022, Bộ GD&ĐT đã có một hướng dẫn riêng để triển khai đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Trong đó yêu cầu đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần bảo đảm nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Khuyến khích việc xây dựng, sử dụng các đề mở để học sinh có thể phát huy cao nhất khả năng sáng tạo.

Tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Đây cũng là cách hữu hiệu để triệt tiêu dạy và học theo văn mẫu đã tồn tại nhiều năm nay, đem lại không khí học tập mới đối với môn Ngữ văn.

Tất nhiên, việc ra được một đề thi hay không dễ dàng. Điều này trước hết đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; hiểu rõ, nắm vững yêu cầu đổi mới; không ngại khó, dám chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội…

Quan trọng nhất người ra đề phải thực sự có năng lực, nhạy bén về chuyên môn, có tư duy đổi mới sáng tạo và thấu hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh. Có được điều này, ngoài nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, thầy cô cần được tăng cường hỗ trợ hơn nữa qua các đợt bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỹ thuật ra đề.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luồng gió mới