Lưu ý ôn tập, kỹ năng làm bài Ngữ văn tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo

28/03/2024, 18:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phân tích đề tham khảo, cô Vũ Hoài Thu, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đồng thời lưu ý giúp HS ôn tập, làm tốt bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Hướng dẫn ôn tập bám sát đề thi, cô Vũ Hoài Thu lưu ý, phần Đọc hiểu, học sinh tập trung vào kiến thức cơ bản như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật…

Phần nghị luận xã hội, các em ôn tập các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận... và quan tâm, tìm hiểu các vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra...

Phần Nghị luận văn học, ôn tập kỹ trọng tâm chương trình Ngữ văn THPT, đặc biệt là nội dung lớp 12. Học sinh nên sơ đồ tư duy hoá các kiến thức văn bản, liên hệ/so sánh với các tác phẩm/hình ảnh cùng chủ đề.

Lưu ý kỹ năng làm bài

Hướng dẫn về kỹ năng làm bài, cô Vũ Hoài Thu nhấn mạnh học sinh cần làm lần luợt các phần, đảm bảo không bỏ sót.

Ở phần đọc hiểu, đọc trước các câu hỏi sau đó mới quay trở lại đọc văn bản. Với câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, đọc kỹ văn bản chứa từ khóa, ý chính để tìm ra vấn đề được hỏi. Với câu hỏi thông hiểu, vận dụng, căn cứ vào văn bản và thực tiễn để lý giải, quan điểm đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực xã hội và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Phần nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo hình thức trình bày theo đoạn văn (không ngắt dòng, xuống dòng; tách đoạn) và dung lượng (khoảng 2/3 trang giấy thi)

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề/luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần nêu luận cứ cụ thể nào?

Xác định rõ ràng bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu...

Tránh lan man, hô khẩu hiểu hay đưa ra các dẫn chứng đã nhàm chán và không có tính cập nhật.

Phần Nghị luận văn học, các em thực hiện theo 2 bước. Bước 1, nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ, cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý khái quát, đưa ra những ý quan trọng của từng phần. Có thể tham khảo dàn ý sau:

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lý giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/luu-y-on-tap-ky-nang-lam-bai-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-de-tham-khao-post677138.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/luu-y-on-tap-ky-nang-lam-bai-ngu-van-tot-nghiep-thpt-tu-de-tham-khao-post677138.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưu ý ôn tập, kỹ năng làm bài Ngữ văn tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo