Bản thân tôi - một sinh viên của lớp Lý luận phê bình múa đầu tiên và duy nhất của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sau gần 20 năm ra trường, một lòng một dạ vì công tác lý luận phê bình múa nhưng đến giờ phút này vẫn cảm thấy nghề của mình quá đỗi chông chênh, không có được sự bảo hộ nào của cơ quan chuyên môn, không có một chế độ nào cho người cầm bút về múa ngoài đồng lương hợp đồng thời vụ ít ỏi theo mỗi số ra của Tạp chí Nhịp điệu.
Còn trụ được với nghề đến giờ phút này, tôi cũng phải tự hào rằng ngoài ý chí phi thường và một niềm tin vào cái nghiệp đã vận vào thân thì chẳng còn lý do nào khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn đùa vui với một số bạn bè rằng: “Tôi đi làm vì đam mê, chứ đâu phải vì tiền”. Đó vừa là câu nói đùa vui, nhưng cũng là nỗi niềm rất thật của người cầm bút chúng tôi.
Các cụ ta xưa đã có câu “có thực mới vực được đạo”. Chúng tôi cứ được an ủi, động viên rằng: Phải thúc đẩy, phải quan tâm, phải phát triển, phải bồi dưỡng công tác lý luận phê bình, nhưng “đẩy mạnh bằng cách nào” đây, trong khi những người còn kiên trì làm công tác lý luận phê bình vẫn hàng ngày chật vật với công cuộc mưu sinh, vẫn mãi chẳng có một điểm tựa vững chãi. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng thiếu những bài viết sâu sắc, ngày càng khan hiếm nhân lực lý luận phê bình trẻ.
Vậy là, nhiều bài viết về múa được đăng trên Tạp chí Nhịp điệu đều do các nghệ sĩ tay ngang hoặc diễn viên, biên đạo đã hết tuổi lao động “lui về ở ẩn” cùng con cháu, thỉnh thoảng tham gia cho vui nên phần lớn dừng lại ở mức kí ức, kỉ niệm, kinh nghiệm… Vô hình trung, những cây bút nhiệt tình, năng nổ góp tiếng nói cho ngành lại là những nghệ sĩ múa lão thành.
Tác phẩm múa 'Giã vải' của biên đạo Hà Trung. Ảnh: Thanh Hoa. |
Còn các nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo, nhà giáo trẻ gần như không mấy mặn mà với chuyện viết bài cho múa chứ chưa bàn tới chuyện viết lí luận - phê bình. Thỉnh thoảng có một vài bài viết chuyên sâu thì không có ai khác ngoài vài tác giả: Ứng Duy Thịnh, Thanh Hoa, Phương Lan.
Có lẽ, đối với người từng cầm bút viết đều hiểu cảm giác của nỗi trằn trọc, suy tư để ra một bài viết tâm huyết thì mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn này. Với bản thân tôi, một người chuyên làm nghề viết mà có những bài khi viết xong tôi cảm thấy mình như kiệt sức…, kiệt sức vì phải vắt óc ra nghĩ, vì phải đắn đo, lựa lọc, viết sao đây, nói gì đây khi không được nói thật, nói thẳng... mà nói cong, nói tránh thì tâm can day dứt, áy náy.
Chúng ta đều biết và đều hiểu lí luận - phê bình phải được đúc rút trên cơ sở thực tiễn chứ không phải là thứ lí luận suông, lí luận phi thực tế thì ắt hẳn sẽ khó lòng thuyết phục được bạn nghề và độc giả. Nhưng thực tiễn đó lấy ở đâu ra? Tất nhiên là đòi hỏi tự thân người viết phải có sự kết nối nhất định, phải tìm cách để có thể tiếp cận được với sự kiện, sự việc hay những kì cuộc có múa tham gia.
Hàng năm, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn định kỳ có các hạng mục xét giải thưởng nghệ thuật múa cho các biên đạo, diễn viên, nhà giáo - huấn luyện với hàng trăm tác phẩm, chương trình giảng dạy; trong khi số lượng những cây viết lý luận phê bình múa nhận giải thưởng nghệ thuật múa thì ngày càng giảm sút, èo uột.
Những năm gần đây, mỗi năm các đơn vị nghệ thuật ca múa trong toàn quốc, toàn quân cứ dàn dựng đều đều với hàng trăm tiết mục múa mới được sáng tác; và con số đó còn tăng đột biến vào những năm có nhiều liên hoan, hội diễn, lễ hội…
Vậy mà hầu như không có các bài viết, nhận xét, đánh giá nghiêm chỉnh trên báo chí... Trong ngành có rất ít người viết, vì viết không phải dễ, vả lại tìm đất để đăng những bài phê bình múa thật khó, hơn thế nữa lại dễ va chạm với bạn nghề! Thiếu hẳn mảng phê bình múa trên báo chí, kể cả tờ báo ruột Nhịp điệu của hội cũng ít những bài có chính kiến.
Mong rằng, những tâm sự, chia sẻ chân thật xuất phát tự đáy lòng này sẽ được lắng nghe, thấu hiểu một cách nghiêm túc với niềm mong mỏi thiết tha rằng: Chúng tôi - những người đã, đang và sẽ làm công tác lý luận phê bình múa đang rất rất cần một điểm tựa để yên tâm gắn bó với nghề.
Giai đoạn trước, những bài viết sắc sảo, sâu sắc, thấm đượm thực tế của ngành được đăng tải, phổ biến thường do các nhà lý luận, phê bình thế hệ trước đảm nhiệm, như: Bùi Đình Phiên, Phạm Hùng Thoan, Lâm Tô Lộc, Lê Ngọc Canh, Thành Đức, Đặng Hùng, Bùi Chí Thanh, Cao Hoàng Hà... Đó là những cây bút đã trở thành quen thuộc với nhiều bạn đọc yêu múa một thời.
Đến nay, một số nghệ sĩ - nhà lý luận như GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, GS.TS.Lâm Tô Lộc, Cao Hoàng Hà, Đặng Hùng... đã đi xa, còn nhà lý luận phê bình Bùi Đình Phiên, Hùng Thoan thì cũng đã đến tuổi “ngũ thập” nên đành “lực bất tòng tâm”, gần như đã “rửa tay gác kiếm”.