Bất chấp sự phân trần của bà T., "Trung tá" Dũng tuyên bố chiều cùng ngày sẽ có đội công tác về tận nhà bắt tạm giam bà; và đe bà T. đừng có ý định trốn vì xung quanh nhà bà hiện có nhiều cán bộ Công an mật phục. "Trung tá" Dũng yêu cầu bà bT. khóa cửa, không tiếp xúc với ai, và phải làm theo mọi chỉ dẫn của anh ta.
Liên tục sau đó, "Trung tá" Dũng cùng các "cộng sự" gọi điện, áp đảo tinh thần khiến bà T. càng hoang mang, lo sợ và răm rắp làm theo những gì các đối tượng yêu cầu. Người phụ nữ rơi vào đỉnh điểm cảnh "thao túng tâm lý", khi qua ứng dụng Zalo, bà chứng kiến nhiều người mặc quần áo Công an, Viện kiểm sát… đang ngồi họp với vẻ mặt nghiêm trọng.
Ngày 18-7, bà T. được hướng dẫn mở tài khoản điện tử (Internet banking) tại một ngân hàng chi nhánh huyện Việt Yên; đồng thời rút tiền ở sổ tiết kiệm để nạp vào tài khoản này nhằm so sánh, đối chứng. Để bà T tin tưởng, đối tượng hẹn trong 24 giờ đồng hồ sẽ hoàn trả lại đúng số tiền đã gửi, thậm chí đền bù số tiền lãi. Nghe lời đối tượng lừa đảo, bà T rút hết tiền tiết kiệm nạp vào tài khoản Internet banking, tổng số 3,05 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình này đều bị "Trung tá" Dũng thúc ép, theo dõi qua điện thoại.
Để nhanh chóng lấy được tiền, nhóm đối tượng yêu cầu bà T quay, chụp tin nhắn mật khẩu, mã OTP cho chúng. Với dữ liệu này, nhóm lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản Nguyễn Thị T đến nhiều tài khoản ngân hàng. Sau 13 lệnh chuyển tiền với các mã trị giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, số tiền 3,05 tỷ đồng mà bà T tích cóp nhiều năm đã "không cánh mà bay".
Chiều tối cùng ngày, bà T như tỉnh ra, hỏi một cán bộ ngân hàng kiểm tra giúp số tiền trong tài khoản, thì mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.
Vụ việc này một lần nữa là bài học để mỗi người dân nêu cao cảnh giác, không nghe và làm theo những đối tượng lạ gọi điện đến xưng là cán bộ cơ quan tư pháp như công an, tòa án, viện kiểm sát để yêu cầu chuyển tiền cho chúng. Nếu thấy nghi ngờ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp ngăn chặn, xử lý...