Cổ phiếu IMP đã tăng gần 50% từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức cao nhất lịch sử.
CTCP Dược phẩm Imexpharm vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và hủy bỏ phương án thưởng tiền cho nhân sự chủ chốt để thay thế bằng phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).
Với phương án phát hành thưởng, Imexpharm sẽ phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (số dư khoảng 2.085 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong quý 3-4 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Với phương án ESOP, Imexpharm cũng kỳ vọng gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao ý thức làm chủ và cam kết của nhân viên, thúc đẩy lòng trung thành và giữ chân nhân tài; đồng thời bảo toàn nguồn tiền mặt cho các hoạt động đầu tư mở rộng.
Imexpharm sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/7 tới đây để thực hiện lấy ý kiến cổ đông liên quan đến 2 phương án tăng vốn trên. Nếu thực hiện thành công cả 2 phương án phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 770 tỷ lên 1.585 tỷ đồng.
Imexpharm mạnh tay chi cổ tức và cổ phiếu thưởng
Trong một diễn biến khác, ngày 12/7 tới đây, Imexpharm sẽ chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 20%. Công ty dự kiến chi 70 tỷ để trả cổ tức tiền mặt 10%, đồng thời phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Trên thị trường, cổ phiếu IMP đã tăng gần 50% từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh). Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục hơn 5.700 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu này tăng chạm gần giá trần 6,8% lên 78.200 đồng, khớp hơn 0,2 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
IMP tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang dao động. VN-Index mở cửa phiên giao dịch sáng nay nhanh chóng bật tăng, nhưng ngưỡng cản mạnh ở rất gần phía trước đã phần nào cản bước tiến của thị trường và chỉ số khi chớm vượt qua 1.290 điểm đã chững lại sau hơn 1 giờ giao dịch.
VIC là ngôi sao sáng của phiên sáng nay khi phục hồi từ đáy 10 tháng. Sau khi bị đẩy về gần tham chiếu vào cuối phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến tiếp tục ảm đạm với dòng tiền yếu. BVH, MSN và TCB dẫn đầu mức giảm trong trụ cột khi để mất 1,1% -1,5%.
Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng không quá nhiều khác biệt so với cuối phiên sáng, với DIG, PDR, HUB, LHG, DRH, HTN, C47, VPH, NTL có mức tăng từ 2,5% đến gần 4%.
Kết quả phiên giao dịch ngày 11/7, VN-Index giảm 2,14 điểm (-0,17%), xuống 1.283,8 điểm. HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,35%), lên 245,39 điểm. UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,38%), xuống 98,32 điểm.
Thị trường tiếp tục nhuộm đỏ phiên thứ hai liên tiếp
Thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu đuối dần khi tiếp tục giảm so với hôm qua. Tổng giá trị giao dịch chỉ còn hơn 21,2 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 198 mã tăng và 242 mã giảm, 75 mã đứng giá.
Sau chuỗi 25 ngày miệt mài bán ròng, phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng trở lại trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Nhà đầu tư ngoại vẫn mạnh tay thoát hàng khỏi FPT với giá trị bán ròng gần 400 tỷ đồng.
VIC tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,47 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB lấy đi của Vn-Index 0,68 điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn tích lũy tích cực trong vùng 1.250-1.300 điểm. VN-Index đã gặp áp lực điều chỉnh lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng đường giá trung bình 20 phiên gần nhất. Áp lực điều chỉnh này là khá bình thường, nhất là khi VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tục trước đó.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư hạn chế mua đuổi giá cao khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Nhà đầu tư trung-dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới cần đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.