"Không biết Ukraine sẽ có được lợi thế này trong bao lâu, nhưng hiện tại nó đang cứu sống Ukraine", Hill cho biết.
Khi các máy bay không người lái hạng nhẹ, mang theo chất nổ dần dần trở thành một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột Ukraine thì hệ thống phòng thủ điện tử nhằm vào máy bay không người lái này cũng như các máy bay không người lái không vũ trang mà cả hai bên sử dụng để trinh sát đã trở nên không thể thiếu.
Lực lượng có lợi thế về thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến có thể kiểm soát được không khí trên chiến trường. Càng ngày quân đội Ukraine càng nắm giữ được lợi thế này.
Khả năng gây nhiễu của lực lượng Ukraine không phải là ngẫu nhiên. Kiev gần đây đã chọn ưu tiên tác chiến điện tử, một thế mạnh truyền thống của Moscow.
Phát biểu hôm 1/11, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyy đã liệt kê những nhu cầu cấp thiết nhất của quân đội nước này, đó là các hệ thống tác chiến điện tử gắn liền với các hệ thống chỉ huy, chống mìn, phản pháo và phòng không.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy cách tiếp cận này của Ukraine đã đạt hiệu quả vào cuối mùa hè bên bờ trái sông Dnipro.
Đầu tháng 10, trước khi lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine lên thuyền thực hiện cuộc tấn công thành công vào khu định cư bên tả ngạn Krynky, quân tác chiến điện tử Ukraine, xạ thủ pháo binh và người điều khiển máy bay không người lái đã tấn công các thiết bị gây nhiễu của Nga và buộc các máy bay không người lái của Nga phải hạ cánh. Kết quả: Hiện nay, Ukraine đã kiểm soát không phận trên Krynky.
Tuy nhiên, liệu Ukraine có thể duy trì và mở rộng quy mô phương thức tác chiến điện tử này hay không phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài, đặc biệt viện trợ từ Mỹ.
Hiện nay, gói viện trợ của Mỹ sắp kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất khoản viện trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối khoản tài trợ này.