Ngay sau khi bài viết cùng những bình luận của Trang được chia sẻ lại, rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ cho rằng người mẹ kế này sống quá "giả tạo", chỉ vờ yêu thương con riêng của chồng trên mạng xã hội, trong khi hành động ngoài đời thực lại khác xa.
Một số người cũng bình luận, nếu chỉ theo dõi cuộc sống của người mẹ kế trên Facebook họ sẽ không thể tin được Trang lại có thể đối xử với con riêng của chồng tàn ác như vậy.
"Cô ấy xây dựng hình ảnh của mình quá hoàn hảo trên mạng xã hội"; "Đây là hệ lụy của lối sống ảo, luôn ảo tưởng về bản thân. Lúc nào cũng muốn bản thân trên mạng lung linh, huyền ảo nhưng đời thực thì lại trái ngược"…
Thực tế, những câu chuyện về việc "sống ảo", "đạo đức giả", làm màu trên mạng xã hội không phải là mới. Lâu nay, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng bình luận về trào lưu sống này. Có những trường hợp sống ảo mang lại niềm vui như ngoại hình mình xấu xí và thiếu tự tin, dùng đến công nghệ để làm mình đẹp hơn trên mạng xã hội.
Khi đẹp hơn, lung linh hơn họ sẽ thấy tự tin và có được niềm vui trong cuộc sống. Ngược lại, việc sống ảo quá đà cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.