Bộ GD&ĐT từng nhiều lần khẳng định, năm 2023 tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nỗ lực này nhằm minh bạch hóa hoạt động tuyển sinh của cả hệ thống.

Ở mùa tuyển sinh năm trước, công tác tuyển sinh có chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin, được xã hội ghi nhận. Đây cũng được coi là sự đột phá về chuyển đổi số của ngành Giáo dục; đặc biệt là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt.

Có thể nói, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đã giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh trong toàn ngành. Đáng nói, Bộ GD&ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường. Đây là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách; từ đó kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác tuyển sinh.

Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022 có thể khẳng định, áp dụng công nghệ trong các khâu là việc không thể không làm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm.

Theo định hướng trên, năm 2023, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành (HEMIS). Đó cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Rút kinh nghiệm từ năm 2022, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ cải tiến về mặt kỹ thuật để đơn giản hóa cho thí sinh, giảm thiểu các sai sót. Đồng thời, tạo điều kiện cho các trường chủ động hơn và có đầy đủ dữ liệu để thuận tiện trong quá trình xét tuyển. Bộ cũng dự kiến nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.

Lẽ tất nhiên, muốn làm được như vậy, ngoài hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, kế hoạch tuyển sinh, cần kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu của học sinh. Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, tích hợp những phần mềm công cụ khác nhau. Ngành Giáo dục cũng từng bước cung cấp dịch vụ công, thực hiện Chính phủ điện tử.

Cũng cần hiểu tường minh rằng, cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học và thí sinh. Khi đó, các trường không nhất thiết phải tổ chức xét tuyển sớm, mà có thể chờ dữ liệu học bạ, kết quả các kỳ thi khác; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, Kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.

Song, dù ứng dụng công nghệ thông tin đến mức nào, thậm chí là triệt để thì yếu tố cốt lõi vẫn là con người và vấn đề nhận thức, năng lực. Điều quan trọng phải lấy lợi ích của người học làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm thú vị, để họ thấy được lợi ích của chuyển đổi số nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh nói riêng.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Minh bạch thông tin