Mở cửa trường hè: Liệu cơm gắp mắm

Hồ Lài | 01/07/2022, 09:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Dịch Covid-19 khiến học sinh tại Nghệ An chịu tác động không nhỏ, cả về tiếp thu kiến thức nền lẫn kỹ năng sống. Để bù đắp thiếu hụt đó, hè này, nhiều trường đã chủ động đưa ra kế hoạch, chương trình hành động để hỗ trợ quản lý, giáo dục học sinh. Về phía phụ huynh cũng có lựa chọn phù hợp giúp con “giải tỏa” sau năm học có nhiều biến động.

Đưa thư viện về bản

5 năm nay, mỗi dịp nghỉ hè, nhà cô Lô Thị Thìn (SN 1976, giáo viên Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) lại trở thành “thư viện cộng đồng” cho học sinh nơi biên giới xa xôi này. Nhà cô Thìn ở bản Huồi Tố (xã Mai Sơn) với 100% người Thái và cũng là bản có số lượng học sinh lớn với hơn 50 em. “Hè năm nào cũng vậy, học sinh đến đọc sách nhiều lắm.

Ban đầu, tôi thông báo chỉ “đón khách” 2 ngày/tuần. Nhưng thực tế ngày nào các em cũng đến, có hôm ở đến tối, phụ huynh phải đến gọi về. Không chỉ học sinh của trường tiểu học nơi tôi công tác, mà cả trò trường THCS cũng đến đọc và mượn sách về. Số lượng sách có hạn, cô cùng giáo viên khác trong bản, cán bộ xã cùng kêu gọi, huy động thêm nguồn sách, báo, tạp chí... Thấy trẻ ham đọc, tôi mừng lắm”, cô Thìn kể.

Là người bản địa nên những năm qua cô Thìn được nhà trường giao nhiệm vụ phối hợp với địa phương, thôn bản quản lý, giáo dục học sinh dịp hè. Theo đó, nhà trường phân phối sách của thư viện về từng thôn bản, thường sẽ để ở nhà văn hóa cộng đồng, hoặc nhà trưởng bản. Đồng thời phân công 1 - 2 giáo viên người bản địa hướng dẫn, tổ chức cho học sinh đọc và mượn sách, báo… Riêng cô Thìn có “thuận lợi đặc biệt” khi là… vợ trưởng bản. Vì vậy, vợ chồng cô được phụ huynh tin tưởng để gửi gắm con em cả mùa hè.

Ngoài thư viện tại nhà cô giáo, dịp hè, Ban quản lý bản Huồi Tố cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, trang bị kỹ năng sinh tồn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Cụ thể, ban quản lý bản phối hợp với đoàn thanh niên, giáo viên tổ chức tập bơi cho học sinh tại Khe Bén. Khe nước chảy qua bản Huồi Tố, vào mùa hè mực nước cao, trong mát, ổn định, có thể khoanh lại để dạy bơi, kỹ năng sơ cấp cứu trong trường hợp gặp người đuối nước, tai nạn… Qua 5 năm duy trì liên tục, đến nay phần lớn học sinh của bản Huồi Tố đã biết bơi. Điều quan trọng nhất là trẻ em có ý thức không tự ý ra khe, suối khi không được sự đồng ý và đi cùng của người lớn.

Theo cô Lô Thị Thìn, năm nay, bên cạnh duy trì công tác tuyên truyền, tổ chức đọc sách, dạy bơi…, giáo viên bản địa còn phụ đạo kiến thức cho trò. Bởi sau 1 năm học chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh, đặc biệt là khối 1 - 2, có hạn chế so với các khóa trước. Nhất là trẻ dân tộc thiểu số, việc học tiếng Việt như một ngoại ngữ, công tác phụ đạo chủ yếu là khích lệ các em đọc sách báo, tập viết, tập tính, tránh tình trạng “tái mù chữ”, quên tiếng Việt sau dịp hè.

Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - cho biết: Kế hoạch trang bị, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được nhà trường xây dựng từ đầu năm học. Trong đó, các hoạt động chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ trong dịp hè có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thôn bản và nhất là đóng góp to lớn của giáo viên người bản địa. Hè năm 2022, nhà trường còn ký cam kết với các thôn bản, đoàn thể của xã Nhôn Mai nhằm triển khai kế hoạch rèn kỹ năng sống, phụ đạo kiến thức cho trẻ được triển khai hiệu quả.

Mở cửa trường hè: Liệu cơm gắp mắm ảnh 1

Nhiều trường học phối hợp với trung tâm thể thao, văn hóa đưa dạy bơi, môn năng khiếu vào dạy cho trò.

“Giải tỏa” bức bối sau Covid-19

Sau khi hoàn thành kiểm tra cuối năm, chị Nguyễn Thanh Hà – phường Hưng Bình, (TP Vinh) quyết định đăng ký một khóa học nhảy cho con luyện tập với các bạn. Sau mỗi buổi học, nhìn con vui vẻ, háo hức như “chim sổ lồng” chị cũng vui lây. Chị Thanh Hà chia sẻ: “Hai năm Covid-19, trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà. Vì vậy, thay vì cho đi học thêm văn hóa, tôi muốn cháu được tham gia các lớp kỹ năng sống, năng khiếu nghệ thuật. Từ đó, phần nào bù đắp thiếu hụt, giúp con được giải tỏa sau thời gian ở nhà giãn cách”.

Đăng ký lớp học năng khiếu thay vì văn hóa là lựa chọn của nhiều phụ huynh Nghệ An dịp hè này. Tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt - Đức (TP Vinh), các lớp hè bắt đầu tuyển sinh vào ngày 5/5 và khai giảng từ ngày 2/6 khi các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố và một số huyện, thị lân cận được nghỉ hè. Năm nay, múa, vẽ vẫn là lớp có nhiều phụ huynh đăng ký cho con nhiều nhất. Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của phụ huynh, học sinh, một số lớp mới được khai giảng như nhảy TikTok, bóng chuyền và tạo mẫu nhí.

Chị Hoàng Lan Anh (phường Lê Mao, TP Vinh) chia sẻ: “Các lớp học ở Nhà văn hóa thiếu nhi khá đa dạng với nhiều bộ môn và lịch học xếp khá linh hoạt, thuận lợi cho phụ huynh đưa đón. Tuy nhiên, chất lượng dạy học và khả năng tiếp thu của con là vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi sẽ tìm hiểu và lựa chọn lớp năng khiếu mà con thích, nhưng số lượng học sinh/lớp không quá đông để đảm bảo an toàn và việc dạy học cũng tốt hơn”.

Ngoài lớp dạy năng khiếu nghệ thuật truyền thống, các lớp học nhảy cũng thu hút khá đông học sinh tham gia với độ tuổi từ 4 – 15. Trung tâm nghệ thuật Nice Dance (TP Vinh) quyết định hoạt động với hình thức “phi lợi nhuận” nhằm khuyến khích học sinh trở lại với các bộ môn năng khiếu sau một thời gian dài đóng băng vì dịch. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc trung tâm - nói thêm: “Ngoài các lớp học nhảy chúng tôi có nhiều khóa học khác như học múa cổ trang, dân gian, nhảy hiện đại và có thêm lớp học về giao tiếp… Tùy năng khiếu, sở thích của trẻ, chúng tôi sẽ tư vấn cho phụ huynh để có lớp học phù hợp nhất”.

Không chỉ riêng thành phố Vinh, tại nhiều địa phương khác, các lớp học hè cũng bắt đầu khai giảng. Mô hình dạy môn năng khiếu tại trường học cũng nhiều trường áp dụng. Đơn cử, Trường THCS Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) phối hợp với trung tâm văn hóa thể thao trên địa bàn tổ chức dạy bơi, vẽ, hát múa… cho học sinh. Ưu thế của mô hình này là đội ngũ giáo viên (chủ yếu là giáo viên Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật) được đào tạo bài bản, học phí thấp. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh đã có sự tương tác từ trước nên lớp học sớm đi vào ổn định và có tính kỷ luật cao, dễ quản lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở cửa trường hè: Liệu cơm gắp mắm