Một bài tập đọc lớp 5 được nhiều phụ huynh khen nức nở vì "xóa" định kiến "trọng nam khinh nữ"

Hiểu Đan, | 28/09/2023, 19:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điều quan trọng không phải là sự khác biệt về giới tính, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người có ích.

Một bài tập đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 5 (Tập 2 - NXB Giáo dục Việt Nam) mới đây "gây bão" mạng vì nội dung được cho là xóa đi tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Nội dung như sau:

"Mẹ sắp sinh em bé. Cả nhà mong, Mơ háo hức. Thế rồi mẹ sinh một em gái. Dì Hạnh bảo: 'Lại một vịt trời nữa'. Cả bố và mẹ đều có vẻ buồn buồn.

Đêm, Mơ trằn trọc không ngủ. Em không hiểu tại sao mọi người lại có vẻ không vui lắm khi mẹ sinh em gái. Mơ thì kém gì con trai nhỉ? Ở lớp, em luôn là học sinh giỏi. Tan học, các bạn trai còn mải đá bóng thì Mơ đã về cặm cụi tưới rau rồi chẻ củi, nấu cơm giúp mẹ. Thế mà đám con trai còn dám trêu Mơ. Các bạn nói rằng con gái chẳng được tích sự gì. Tức ghê!

Mẹ phải nghỉ ở nhà, bố đi công tác xa, Mơ làm hết mọi việc trong nhà giúp mẹ. Tối, mẹ ôm Mơ vào lòng thủ thỉ: 'Đừng vất vả thế, để sức mà lo học, con ạ!'. Mơ nép vào ngực mẹ, thì thào: 'Mẹ ơi, con sẽ cố gắng thay một đứa con trai trong nhà, mẹ nhé!'. Mẹ ôm chặt Mơ, trào nước mắt.

Chiều nay, thằng Hoan học lớp 3C mải đuổi theo con cào cào, trượt chân sa xuống ngòi nước. Nó cứ chới với, chới với. Mơ vội vàng lao xuống. Cả hai đứa ngụp lên, ngụp xuống, uống cơ man là nước. May mà mọi người đến kịp. Thật hú vía!

Tối đó, bố về. Bố ôm Mơ chặt đến ngộp thở. Cả bố và mẹ đều rơm rớm nước mắt. Chỉ có em bé nằm trong nôi là cười rất tươi. Chắc là em khen chị Mơ giỏi đấy.

Dì Hạnh nói giọng đầy tự hào: 'Biết cháu tôi chưa? Con gái như nó thì một trăm đứa con trai cũng không bằng'". (Theo Đỗ Thị Thu Hiền).

Một bài tập đọc lớp 5 được nhiều phụ huynh khen nức nở vì xóa định kiến trọng nam khinh nữ - Ảnh 1.

Một bài tập đọc lớp 5 được nhiều phụ huynh khen nức nở vì xóa định kiến trọng nam khinh nữ - Ảnh 2.

Ảnh chụp bài tập đọc

Nhiều người cho rằng, dù xã hội luôn tuyên truyền bình đẳng giới, tuy nhiên, quan niệm "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn còn rất nặng nề. Thế nên ngay từ thuở lọt lòng, những bé trai đã được mọi người chăm chút và ưu tiên hết mực. Và không ít đứa trẻ là con gái cũng bị hệ lụy từ quan điểm định kiến giới của chính người thân trong gia đình.

Trong hoàn cảnh đó, những bài học như "Con gái" cho các em biết, dù gái hay trai thì chúng ta đều đáng yêu quý, trân trọng như nhau. Điều quan trọng không phải là sự khác biệt về giới tính, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người có ích. Chuyện chăm sóc phụng dưỡng, nối dõi, con gái cũng có thể làm tốt.

Một số phụ huynh để lại bình luận:

- Ôi mình vẫn nhớ bài này, giờ đọc lại mới thấy ý nghĩa.

- Sách giáo khoa con mình học cấp 1 cũng lồng ghép vào những bài đọc để các bé nhận thức bình đẳng giới. Bố và anh rửa bát giúp mẹ, rồi các bài học về sự tự tin rất thực tế. Mình ủng hộ có những bài đọc như thế này.

- Quan trọng là tư tưởng của người làm cha làm mẹ, hãy mạnh mẽ bảo vệ các con của mình. Hãy dành thật nhiều tình yêu thương của mình cho con, nuôi dạy con gái của mình thành cô công chúa bản lĩnh, tự tin, biết yêu thương và tôn trọng bản thân thì sau này xã hội sẽ có cách nhìn cân bằng hơn.

- Thực ra mình cũng muốn có con trai trước con gái sau, nhưng mà để càng thêm yêu con gái cơ. Mình muốn con gái được bao bọc, yêu thương, được bố mẹ và anh che chở. Mình muốn dạy con trai thành người biết yêu em gái, biết tôn trọng phụ nữ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, bài đọc hay nhưng có lẽ không còn phù hợp. "Bình đẳng không có nghĩa là phải dìm người khác xuống. 100 đứa con trai cũng không bằng, tại sao phải nói vậy nhỉ? Câu chuyện cũng không đúng trong đa số các trường hợp"; "Bài này hay, cơ mà với trình độ tiểu học chưa hiểu được nên lúc đó mình thấy cũng bình thường. Về sau đọc lại mới hiểu hết".

Hiện bài tập đọc vẫn được chia sẻ và bàn luận rôm rả trên mạng xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một bài tập đọc lớp 5 được nhiều phụ huynh khen nức nở vì "xóa" định kiến "trọng nam khinh nữ"