Mùa hè 'sôi động' của giáo viên cắm bản

10/06/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với nhiều giáo viên, hè không là dịp để xả hơi sau một năm miệt mài truyền thụ kiến thức.

Mùa hè 'sôi động' của giáo viên cắm bản ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Thùy - Giáo viên Trường PTCS Nam Mẫu trong giờ dạy tiếng Anh cho học sinh.

Giúp trò tiếp cận ngoại ngữ

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy - Trường PTCS Nam Mẫu (Chợ Đồn, Bắc Kạn) lại bày tỏ mong muốn giúp học sinh của mình được tiếp cận với tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong những tháng nghỉ hè.

Cô Thùy cho biết, với đặc trưng trường vùng cao, đặc biệt khó khăn, đa phần học sinh đều là con em dân tộc Mông, Dao nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông khó khăn, kiến thức xã hội hạn chế, các em chưa được làm quen với tiếng Anh ở cấp tiểu học, thiếu hụt từ vựng và các cấu trúc câu, nên giáo viên gặp nhiều rào cản trong quá trình truyền tải kiến thức.

Thêm vào đó, các giờ học trên lớp, học sinh bắt buộc phải học tập, nghiên cứu bằng tiếng phổ thông nên nảy sinh tâm lý e ngại, rụt rè, sợ nói ngọng, mắc lỗi bị bạn bè chê cười, ngượng ngùng khi phải trình bày, trả lời câu hỏi trước lớp.

Mặt khác, học sinh không tự tin nói tiếng phổ thông nên sẵn sàng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ ngay trong lớp, nhiều khi giáo viên phải nói lại bằng tiếng địa phương hoặc nhờ học sinh khác dịch sang tiếng địa phương thì học trò mới hiểu. Như vậy, phải thông qua 2 - 3 lượt giao tiếp học sinh mới có thể hiểu nội dung truyền đạt của giáo viên và ngược lại.

Với đặc thù này, cô Thùy đã chủ động gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… từ đó giúp các em làm quen dần với cuộc sống vùng thấp, rút ngắn khoảng cách thầy trò để học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Việc trò chuyện cùng học trò cũng giúp học sinh dân tộc rèn luyện tiếng phổ thông nhiều hơn, là cầu nối chuyển dần từ tiếng phổ thông sang ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.

Cô Thùy chia sẻ, trong dịp hè này, cô sẽ kết nối, liên hệ với các homestay đưa học sinh đến giao tiếp, thực hành với người nước ngoài. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa các em sẽ được vui chơi hoặc tham gia các hoạt động văn nghệ cùng với du khách nước ngoài… Trong quá trình hoạt động sôi nổi, các em bớt dè dặt và sử dụng tiếng Anh nhiều hơn.

“Trong Chương trình GDPT mới, học sinh được khuyến khích sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt tùy theo trình độ đối tượng. Giáo viên là người hướng dẫn các em làm quen với đàm thoại từ những tình huống đơn giản đến chủ điểm chủ đề. Điều quan trọng nhất là xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh ngoài giờ lên lớp; tạo môi trường cho các em và giáo viên giao tiếp bên ngoài giờ học.

Giáo viên tạo thói quen khi gặp bên ngoài, học sinh và giáo viên chào nhau bằng tiếng Anh với các câu đơn giản... Do đó, việc giúp học sinh dân tộc tiếp cận ngoại ngữ dịp hè qua các sân chơi bổ ích là điều cần thiết và tôi sẽ cố gắng để làm được điều đó cho các em…”. - Cô Nguyễn Thị Thùy - Trường PTCS Nam Mẫu (Chợ Đồn, Bắc Kạn)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/mua-he-soi-dong-cua-giao-vien-cam-ban-post641681.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/mua-he-soi-dong-cua-giao-vien-cam-ban-post641681.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa hè 'sôi động' của giáo viên cắm bản