Sức khỏe

Mùa lễ hội xuân và nỗi lo mất an toàn thực phẩm

Phạm Hoa 21/02/2024 14:05

(GDTĐ) - Vào mỗi dịp đầu năm mới, các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra liên tục trên khắp cả nước. Lễ hội thường thu hút lượng lớn khách tham quan, đặt ra những quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm.

Thực phẩm bày bán la liệt, thiếu che chắn

Phủ Tây Hồ, Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến làm lễ đầu năm. Tại các lối đi vào Phủ luôn đông kín người, ở cửa chính lúc nào cũng chen chúc, người nọ vái sau lưng người kia, nhiều người không chen được phải vái vọng.

Từ khu vực bãi gửi xe đến Phủ Tây Hồ chỉ khoảng 400m, hàng trăm cửa hàng thực phẩm mọc lên san sát hai bên đường để phục vụ du khách. Trong đó, bánh tôm và bún ốc là những món ăn không thể thiếu. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy được những bất cập về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn.

banh-tom-tay-ho.png
Bánh tôm tại phủ Tây Hồ được phơi cạnh lối đi không có thiết bị che chắn bụi

Tại nhiều cửa hàng, những khay bánh tôm vàng óng, chất đầy xếp chồng lên nhau được "phơi" ngay cạnh lối đi mà không có bất kỳ thiết bị gì che chắn bụi. Ngay bên cạnh đó là chảo dầu to cửa hàng bố trí sẵn để mỗi khi khách đến ăn là có thể chiên nóng lại món bánh tôm. Do không được che chắn nên ruồi muỗi thi nhau bay đến đậu vào những khay bánh tôm...

Tại Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương, Mỹ Đức) ngay trong ngày đầu khai hội (mùng 6 Tết), đã đón hơn 21 nghìn lượt khách. Với lượng khách đông như vậy, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Ngay tại khu vực đền Trình, ở bến Trò, khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù, rất nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống mọc lên bày la liệt các đồ ăn sẵn không hề che đậy. Rất hiếm quán có tủ kính để thức ăn như quy định, bất chấp bụi mù mịt dưới bước chân hàng vạn du khách mỗi ngày.

Đặc biệt, tại bến Trò, các quán hàng hoàn toàn không có một khoảng cách nào với đường đi, nên đủ loại thực phẩm ăn sẵn như gà luộc, cá rán, bánh trôi, bánh phở, chả, tôm, chè lam, thịt sống… đều bày bán ngay bên chân người đi lại rầm rập, khiến bất cứ ai cũng có thể nhìn rõ bụi bay lên "tẩm" vào đồ ăn, rượu bán cho khách trong bữa ăn không rõ nhãn mác…

an-toan-thuc-pham-tai-chua-huong.png
Tại lễ hội chùa Hương rất nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống mọc lên bày la liệt các đồ ăn sẵn không hề che đậy

Trên thực tế, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt. Dù các cơ sở kinh doanh ăn uống đã được sắp xếp quy củ hơn trước, thế nhưng, ý thức của người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận dễ vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Lựa chọn thực phẩm thông minh tránh nguy cơ ngộ độc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8-2 đến 14-2), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi điều trị. Cùng với đó, tại tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 1 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu tại bữa tiệc gia đình xảy ra vào ngày 11-2 làm 4 người nhập viện điều trị, trong đó có 2 người tử vong.

an-toan-thuc-pham-mua-le-hoi.png
An toàn thực phẩm tại lễ hội mùa Xuân là vấn đề đang được quan tâm

Những con số trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng.

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở. Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, mỗi người dân, du khách cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành nhà tiêu dùng thông thái, lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đủ các quy định, thực hiện tốt nguyên tắc mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa lễ hội xuân và nỗi lo mất an toàn thực phẩm