Trường Tiểu học Pom Lót (huyện Điện Biên) triển khai chương trình mới trong bối cảnh có 3 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học. Trong khi đó, trường có 5 lớp 3, với 120 học sinh ở 3 điểm.
Cô giáo Lê Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị đã tháo gỡ bằng cách bố trí thời khóa biểu linh hoạt, tận dụng tối đa cơ sở vật chất để hỗ trợ học sinh.
“Tại 2 điểm lẻ, trường sắp xếp lịch dạy Tiếng Anh, Tin học theo tuần và vào các buổi chiều để giáo viên thuận tiện di chuyển. Đồng thời tổ chức dạy học theo hình thức cuốn chiếu từng điểm”, cô Thu cho hay.
Giờ học Tiếng anh của cô và trò lớp 3, Trường tiểu học Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. |
Riêng môn Tin học, ngoài 30 bộ máy tính được ngành hỗ trợ, nhà trường kêu gọi thêm các nguồn lực xã hội hóa. Để lấp chỗ trống trước mắt, Ban giám hiệu khuyến khích cán bộ, giáo viên trong toàn trường cho mượn khi có tiết, nhằm huy động đủ số máy tính cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Đối với Trường Tiểu học Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa), năm học vừa qua có 80 học sinh lớp 3. Trong bối cảnh thiếu giáo viên môn đặc thù, đơn vị đã dồn học sinh điểm lẻ về trung tâm, nhằm đảm bảo 100% được học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc.
“Kéo theo đó thì nhiệm vụ, áp lực trong việc chăm sóc, quản lý học sinh ở nội trú tại trường lại gia tăng. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chung và trách nhiệm với học sinh, nhà trường động viên các thầy cô cùng nhau cố gắng, san sẻ khó khăn chung”, thầy Vũ Ngọc Luyện, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Tại huyện Mường Ảng, năm học 2022 - 2023 có 106 lớp học môn Tiếng Anh ở 2 cấp tiểu học và THCS. Trong khi, toàn huyện chỉ có 13 giáo viên Tiếng Anh được bố trí giảng dạy tại 9 trường. Riêng 3 trường tiểu học: Mường Đăng, Mường Lạn, PTDTBT Tiểu học Bản Bua trống giáo viên môn học này.
Để đảm bảo dạy và học, Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện điều động, biệt phái và giao thêm nhiệm vụ cho giáo viên dạy liên trường trên cùng địa bàn. Nhờ đó, 100% học sinh lớp 3 ở địa phương đều được học môn Tiếng Anh, đảm bảo chương trình, kế hoạch đề ra.
“Thực hiện như vậy thì giáo viên vất vả hơn rất nhiều. Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cố gắng động viên, nắm bắt tâm tư để chia sẻ, khích lệ tinh thần để thầy cô yên tâm, nỗ lực vì mục tiêu chung là đảm bảo tốt nhất quyền lợi học sinh. Đồng thời chỉ đạo giải quyết sớm, đúng, đủ chế độ làm thêm giờ cho giáo viên” - ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Chúng tôi xác định khó khăn mang tính đặc thù không thể tháo gỡ ngay trong một sớm, một chiều. Do vậy, ngành khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của từng trường, giáo viên cụ thể. Nhất là dạy học các môn chuyên biệt phù hợp với điều kiện thực tế. Không để trường, lớp nào bị gián đoạn hoặc không được học môn nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc. 100% trường tổ chức việc dạy Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 đảm bảo theo đúng lộ trình, kế hoạch thời gian quy định.