ATACMS được thiết kế để "tấn công sâu vào lực lượng ở phòng tuyến thứ hai", trang web của Lục quân Mỹ tiết lộ, đồng thời cho biết chúng cũng có thể được sử dụng để tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cũng như các hệ thống phòng không và cơ sở hậu cần phía sau tiền tuyến.
Kiev đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden hỗ trợ ATACMS để tấn công và làm gián đoạn chuỗi hậu cần, căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt trong các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát.
Tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về việc Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng vào một kết quả tích cực.
"Hiện nay chính là thời điểm", một trong các quan chức Mỹ cho hay khi Ukraine đang cố gắng xuyên thủng phòng tuyến Nga ở phía Nam thành phố Orikhiv trong nỗ lực chia cắt các lực lượng của Moscow và đe dọa các tuyến hậu cần quan trọng của nước này.
Theo CNN, một quan chức Mỹ tiết lộ, chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra về việc cung cấp tên lửa nhưng “việc đó có khả năng xảy ra hiện nay lớn hơn nhiều so với trước đó”.
Hiện nay, tầm bắn tối đa của vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine là bom đường kính cỡ nhỏ phóng từ mặt đất với tầm hoạt động gần 150km. ATACMS có tầm bắn hơn 300km, cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở xa gấp đôi.