Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa thêm 37 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại, bao gồm những công ty bị nghi ngờ hỗ trợ khinh khí cầu do thám bay qua không phận Mỹ năm ngoái, khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington căng thẳng hơn.
Bộ Thương mại Mỹ đã đưa một số đơn vị của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc vào danh sách trên, với cáo buộc sao chép công nghệ Mỹ để phát triển năng lực công nghệ lượng tử của Trung Quốc. Mỹ cho rằng điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ vì có thể ứng dụng vào quân sự.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi quyết định này là "hành vi chèn ép kinh tế và bắt nạt trắng trợn trong lĩnh vực công nghệ", đồng thời tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty và tổ chức Trung Quốc.
Máy bay phản lực bay ngang qua một khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc trôi ngoài khơi bờ biển Surfside, Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters
Quyết định cho thấy Washington vẫn tiếp tục trừng phạt Bắc Kinh vì vụ khinh khí cầu bay qua không phận Mỹ vào tháng 2/2023, nghi ngờ có mục đích do thám. Sự việc gây ra cơn thịnh nộ ở Washington, dẫn đến việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh ngay sau đó.
Tháng 2 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đưa 5 công ty và một viện nghiên cứu Trung Quốc vào danh sách hạn chế vì “hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, cụ thể là các chương trình hàng không vũ trụ, như phát triển máy bay và khinh khí cầu”.
Danh sách hạn chế thương mại, còn được gọi là danh sách thực thể, được Mỹ sử dụng triệt để hạn chế công nghệ tiên tiến rơi vào tay Trung Quốc, với lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để tăng cường năng lực quân sự.
Cũng trong ngày 9/5, Mỹ đưa một số tổ chức của Trung Quốc vào danh sách hạn chế vì nỗ lực tìm mua linh kiện để chế tạo máy bay không người lái phục vụ quân đội Trung Quốc và những nước khác, từ đó có thể được chuyển đến Nga.