"Các cuộc thảo luận càng cấp bách hơn sau khi yêu cầu của chính quyền Tổng thống Biden về khoản hỗ trợ hàng chục tỉ USD cho Ukraine bị Đảng Cộng hòa chặn lại" – nguồn tin nói với Reuters.
Một số phương án được đưa ra như tịch thu tài sản trực tiếp và chuyển sang Ukraine; sử dụng tiền lãi kiếm được và các lợi nhuận khác từ tài sản Nga được nắm giữ tại các tổ chức tài chính châu Âu để mang lại lợi ích cho Ukraine. Có phương án đề xuất sử dụng số tiền đóng băng đó của Nga làm tài sản thế chấp cho các khoản vay cho Ukraine.
Các nhà kinh tế nhận định việc thu giữ một số tiền lớn như vậy từ một quốc gia có chủ quyền là điều chưa từng có tiền lệ. Hành động này có thể gây ra những hậu quả kinh tế và pháp lý khó lường và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ kiện và trả đũa từ Nga.
Chính quyền Đức mới đây đã quyết định thu giữ khoảng 790 triệu USD từ tài khoản ngân hàng Frankfurt của Nga vốn đang chịu lệnh trừng phạt của EU.
Động thái trên lập tức vấp phải cảnh báo cứng rắn "đáp trả cân xứng" từ Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ông Siluanov tuyên bố có nhiều tài sản bị phong tỏa trong các tài khoản loại C ở Nga.
Tài khoản loại C là nơi lưu giữ tài sản phong tỏa của người nước ngoài ở Nga và Moscow đang giữ hơn 280 tỉ rúp (hơn 3 tỷ USD).
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương và công dân nước này là bất hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ký sắc lệnh cho phép công dân Nga đổi tài sản đang bị đóng băng ở nước ngoài để lấy tài sản nước ngoài đang bị đóng băng tại Nga.