Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai

Đinh Phương Nhung | 19/10/2022, 14:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với suy nghĩ "nữ mặc được thì nam cũng mặc được", nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đến trường vào mỗi thứ hai đầu tuần.

Tốt nghiệp bằng giỏi Khoa Quốc tế Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Ngoại thương, mọi người biết đến Phùng Thế Gia Lộc không chỉ với vai trò một chàng sinh viên năng nổ, xuất sắc trong các hoạt động học tập và ngoại khóa, mà còn biết đến với vai trò người "truyền lửa" tình yêu với cổ phục Việt Nam (hay còn gọi là Việt phục).

Nữ mặc được thì nam cũng mặc được

Lộc thường mặc các trang phục truyền thống như áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn hay giao lĩnh..., đi học vào thứ hai đầu tuần.

"Mức độ nhận thức của số đông xã hội về trang phục cổ của Việt Nam còn chưa cao. Do đó, mình muốn mặc những trang phục này để mọi người biết đến những trang phục truyền thống nhiều hơn bên cạnh áo dài, khăn đóng.

Giống như nữ sinh nhiều trường phải mặc áo dài vào sáng thứ hai, mình cho rằng nữ mặc được thì nam cũng có thể mặc được".

Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai - 1

Phùng Thế Gia Lộc đi học trong bộ áo tấc (Ảnh: NVCC).

Chứng kiến những lần Lộc mặc những trang phục "khác với số đông" như vậy, thầy cô, bạn bè không khỏi thấy "lạ mắt". Nhưng lâu dần, mọi người cũng đã quen với phong cách của Lộc.

"Đại học Ngoại thương là một ngôi trường mà mọi người chấp nhận sự khác biệt và dễ tiếp nhận những cái mới, nên mọi người cũng rất thoải mái với cách ăn mặc của mình.

Thầy cô, bạn bè cũng thấy lạ thời trong khoảng thời gian đầu nhưng sau khi mình giải thích, mọi người cũng đã phản ứng bình thường và rất ủng hộ mình", Lộc nói.

Lộc luôn cảm thấy rất vui về những lần mình mặc Việt phục và nhận được sự công nhận từ cộng đồng. Cậu cảm thấy những điều mình làm đã phần nào tác động đến nhận thức của mọi người về trang phục truyền thống Việt Nam.

Lộc bộc bạch: "Có một thời gian mọi người tranh cãi gay gắt về việc nam sinh mặc áo dài đi học. Bản thân mình không tham gia bất kì cuộc tranh luận nào trên mạng xã hội mà cứ thế mặc thôi.

Lúc đó, các hình ảnh của mình "chạy nhảy" khắp nơi trên các trang thông tin trên Facebook và được mọi người quan tâm nhiều.

Mình thấy vui vì những điều mình làm đã có tác động phần nào đến nhận thức của mọi người về trang phục truyền thống Việt Nam. Thời gian này có thể còn nhiều người thấy lạ nhưng mình thấy đây là điều tốt vì cái gì cũng cần thời gian để mọi người làm quen".

Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai - 2

Lộc tự tin thể hiện bản sắc của mình trong bộ trang phục giao lĩnh có quây thường bên ngoài (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, Lộc không tránh khỏi việc phải đối mặt với những lời phán xét và cả những ý kiến tiêu cực trên không gian mạng. Đa phần trong số đó là những lời lẽ quy chụp cổ phục Lộc mặc giống trang phục của đất nước khác. Đứng trước những phản ứng này, Lộc lựa chọn bỏ qua và không bận tâm quá nhiều.

"Mình không quan tâm quá nhiều tới những phản ứng tiêu cực của cộng đồng mạng vì nếu quan tâm những lời nói đó thì mình đã không dám mặc ngay từ đầu", chàng trai khẳng định.

Với tình yêu với trang phục dân tộc lớn như vậy, Lộc sẵn sàng bỏ số tiền khá lớn để may đo. Các bộ Việt phục của Lộc thường có mức giá dao động từ 1,5 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/bộ.

"Một bộ sẽ có nhiều loại vải để lựa chọn như vải nhuộm thủ công hoặc vải nhuộm công nghiệp nên giá thành cũng rất đa dạng. Hiện nay mình đang làm cộng tác viên cho một bên chuyên may đo cổ phục nên được miễn phí", Lộc nói.

Sự tò mò nuôi dưỡng tình yêu Việt phục

Khởi nguồn từ câu hỏi "Ngoài áo dài thì Việt Nam còn có những trang phục truyền thống nào?", Phùng Thế Gia Lộc dần tiến sâu vào con đường tìm hiểu về Việt phục và phát hiện ra dân tộc mình có rất nhiều trang phục đẹp nhưng lại chưa được phổ biến.

"Vì sự đa dạng trong các trang phục dân tộc chưa được phổ biến nên nhiều người chỉ nghĩ Việt Nam có mỗi áo dài và áo tứ thân là trang phục dân tộc. Tuy nhiên, Việt Nam từng có rất nhiều các dạng trang phục khác với lối thiết kế cầu kỳ, nhiều lớp với hoa văn rực rỡ không thua kém gì trang phục các nước khác".

Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai - 3

Mỗi lần khoác trên mình những bộ Việt phục là một lần Lộc cảm thấy tự hào về nền văn hiến giàu và đẹp không thua kém gì với các nước khác (Ảnh: NVCC).

Chính điều này đã thôi thúc Lộc mặc những trang phục dân tộc ở cuộc sống thường nhật thay vì một dịp lễ đặc biệt nào đó để đưa Việt phục đến gần hơn với mọi người.

"Trong 2 năm gần đây, mình muốn mặc các trang phục này nhiều hơn tại các nơi công cộng để mọi người biết rằng bên cạnh áo dài hiện đại thì Việt Nam mình còn rất nhiều những bộ trang phục khác rất đẹp và đáng để tự hào", Lộc khẳng định.

Mặc áo giao lĩnh với mũ tú tài thay vì đồ cử nhân

Với tình yêu dành cho Việt phục, Phùng Thế Gia Lộc khẳng định chắc chắn rằng bản thân sẽ mặc áo giao lĩnh, đội mũ tú tài vào ngày cuối cùng của đời sinh viên.

"Mũ tú tài đội với áo giao lĩnh vốn là phục trang của các nho sinh thời Nguyễn được ban tặng sau khi đỗ đạt trong các kì thi quan trọng.

Mình thấy rằng, việc tốt nghiệp ngoài mặc áo cử nhân thì tự do mặc các trang phục khác là điều bình thường. Mình từng xem nhiều video của nước ngoài và thấy họ cũng để sinh viên tự do mặc trang phục mình thích vào ngày nhận bằng tốt nghiệp".

Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai - 4

Lộc trong bộ đồ giao lĩnh và mũ tú tài - trang phục phổ biến của các nho sinh thời xưa (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, chàng trai này không vì coi trọng Việt phục mà xem nhẹ giá trị của những bộ trang phục khác, Lộc vẫn luôn thể hiện sự tôn trọng với bản sắc của mỗi bộ trang phục khác nhau.

"Mình thấy sinh viên mặc gì vào ngày tốt nghiệp của mình cũng được, miễn sao nó phù hợp với hoàn cảnh. Mình không có ý kiến gì về việc một người nên mặc trang phục truyền thống hay đồ cử nhân vào lễ tốt nghiệp vì cơ bản mọi trang phục đều xứng đáng được tôn trọng. Chỉ cần bản thân sử dụng nó đúng mục đích và mang tới những điều tích cực là được", Lộc chia sẻ.

Bài liên quan
Chàng thủ khoa K56 của trường Đại học Ngoại thương
Đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương với số điểm 29. Tốt nghiệp, Mai Tiến Thành đã trở thành thủ khoa đầu ra toàn trường với điểm GPA đạt 3.97/4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam sinh Ngoại thương mặc cổ phục Việt Nam đi học vào mỗi thứ hai