Việc bốc thăm để trẻ có suất học tại trường mầm non phản ánh tình trạng thiếu trường học trầm trọng tại Thủ đô. Ảnh: Đậu Tiến Đạt. |
Không giống như anh Cường, chị Nguyễn Thu Quỳnh (chung cư VP6) nằm trong số hơn 90 phụ huynh không may mắn trong “trò chơi may rủi” để giành suất cho con học tập tại Trường Mầm non Hoàng Liệt. “Số thứ tự bốc thăm của tôi hôm đó là 142 trên tổng số 176 người. Vì số thứ tự nằm gần cuối nên cơ hội để tôi bốc được phiếu trúng tuyển càng ít”, chị Quỳnh chia sẻ.
Người mẹ của cậu con trai 4 tuổi thú nhận rằng đây là một trong số ít lần chị có suy nghĩ hẹp hòi khi mong sao cho những người bốc trước mình bốc được phiếu trúng tuyển càng ít càng tốt. “Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, gia đình tôi cũng có kinh tế không mấy khá giả nên rất mong muốn con được học tập tại một trường mầm non công lập. Nếu những người bốc trước được nhiều phiếu trúng tuyển thì đồng nghĩa với xác suất may mắn đến với những người bốc sau như tôi sẽ ít đi”, chị Quỳnh cho biết.
Gần cuối buổi, may mắn đã không đến với chị Quỳnh khi chị bốc được lá phiếu “rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Với kết quả này, gia đình chị Quỳnh phải để bé Su Hào (tên gọi ở nhà của con trai chị Quỳnh) học tập tại một lớp trẻ độc lập tư thục với chi phí lên đến gần 3 triệu đồng/tháng.
Nhớ lại lần bốc thăm để cho con vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, anh Vũ Bá K. cho biết bản thân anh chẳng biết nên vui hay buồn vì trong lần bốc thăm ấy, anh là người có một nửa may mắn nhưng cuối cùng lại lọt tốp những phụ huynh không may mắn.
Sở dĩ có cơ sự như trên là bởi anh K. sau 2 lần bốc thăm để giành suất cho 2 người con sinh đôi, anh K. bốc được 1 phiếu “chúc mừng” và phiếu còn lại là phiếu ghi dòng chữ “rất tiếc…”. “Nhà tôi là sinh đôi nên vợ chồng cũng mong muốn các cháu được học cùng trường lớp với nhau để tiện đưa đón. Tuy nhiên, sau khi bốc được 1 phiếu đỗ, 1 phiếu trượt, vợ chồng tôi đã quyết định cố gắng thêm để cho 2 cháu đi học tại một cơ sở mầm non tư thục. Chi phí có đắt đỏ hơn nhưng ngược lại môi trường cũng ổn định nên vợ chồng tôi đỡ lo lắng”, anh K. chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt bộc bạch rằng, bản thân không hề mong muốn có buổi bốc thăm đó nhưng do nhà trường nhận được quá nhiều hồ sơ đăng ký nên nhà trường cũng không thể làm gì hơn dù thâm tâm rất muốn nhận tất cả. Và việc quyết định lựa chọn phương án bốc thăm cũng là do không còn cách nào tối ưu hơn.
Từ sự kiện đó có thể thấy trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung đang xảy ra tình trạng “thiếu trường, khát lớp”. Tình trạng này kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng lớn đến nhu cầu học tập chính đáng của người dân.
Ở Việt Nam, việc bố mẹ xuyên đêm xếp hàng chờ mua hồ sơ nhập học cho con không phải chuyện hiếm nhưng nó diễn ra ở những bậc học cao hơn với những ngôi trường tư thục hoặc những ngôi trường công lập chất lượng. Còn chuyện dựa vào những lá thăm để quyết định trẻ có được học tập tại một ngôi trường mầm non công lập hay không lại là chuyện chưa từng xảy ra trước đó.
______________________
(Còn nữa)