NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga?

21/05/2023, 12:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ukraine tuyên bố chuẩn bị phản công trong bối cảnh có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng như thượng đỉnh Hội đồng toàn châu Âu tại Iceland, thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu ở Moldova, thượng đỉnh NATO ở Litva. Các nước phương Tây đi đến đồng thuận: Giúp đỡ Ukraine bằng mọi giá.

Dư luận phản đối

Không như giới lãnh đạo châu Âu, dư luận của những quốc gia mà Tổng thống Ukraine đến thăm lại gần như không hề muốn ủng hộ những dự án quân sự của Kiev. Theo kết quả thăm dò ý kiến của Ipsos, khoảng 45% số người được hỏi ở Italy phản đối ý tưởng gửi vũ khí cho Ukraine, chỉ có 34% là ủng hộ. Còn tại Đức, 67% số người được hỏi muốn có đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột. Riêng ở Pháp, vấn đề cải cách tuổi nghỉ hưu đang đè nặng người dân nên đa phần bày tỏ không quan tâm vấn đề khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen tổ chức ngày 15 và 16/5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa nhắc lại quan điểm của hầu hết các nước phương Tây như sau: “Tôi hiểu rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Tổng thống Zelensky sẽ nêu câu hỏi về tư cách thành viên của Ukraine và những đảm bảo an ninh cho Ukraine. Đây sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, hiện tại, mục tiêu chính của NATO phải là đảm bảo rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng, bởi vì đó là cách duy nhất để có một cuộc thảo luận đầy ý nghĩa về tư cách thành viên tương lai của Ukraine”.

Cổng thông tin Observateur Continental (Pháp) nhận định: “NATO đang gặp bế tắc. Hiện tại, họ không thể cấp quyền gia nhập cho Ukraine vì các nước NATO chưa sẵn sàng tuyên chiến với Nga, nhưng họ cũng chưa sẵn sàng thừa nhận một cách công khai với Ukraine rằng, họ sẽ không làm như vậy”. Do đó, các nước NATO quyết định sẽ không mời Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng 7 tại Vilnius. Nói tóm lại, không có lý do gì phải đáp ứng yêu cầu của ông Volodymyr Zelensky. Ông Jens Stoltenberg nói rằng: “Sẽ hợp lý hơn nếu ta thảo luận về thời điểm và cách thức Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO” một khi “Ukraine giành chiến thắng với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.

G7 và đòn trừng phạt tiếp theo với Nga

Việc Tổng thống Zelensky đến thăm Tây Âu rõ ràng có liên quan đến cuộc họp sắp tới giữa các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima từ ngày 19 đến 21/5. Một trong những chủ đề chính sẽ được thảo luận ở đó là những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, thông qua gói trừng phạt thứ 11. Nó được lên kế hoạch không chỉ để thắt chặt mức độ trừng phạt, mà còn để áp dụng lối tiếp cận mới dựa trên nguyên tắc “không còn vùng cấm trong các lệnh trừng phạt”. Reuters cho biết, dựa trên những nguồn tin nắm rõ nội dung thảo luận về chủ đề này, Tổng thống Ukraine đề xuất đưa ra lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu một số hàng hóa. Ông cũng muốn thảo luận riêng lẻ những trường hợp ngoại lệ. “Lệnh cấm cũng sẽ bao hàm ngành năng lượng. Có lẽ lần đầu tiên, những biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng lên hoạt động cung cấp khí đốt qua đường ống”, báo Financial Times khẳng định, sau khi xét đến dự thảo tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G7. Theo đó, tài liệu này đề xuất đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga thông qua đường ống dẫn khí đốt và dầu đi qua những tuyến đường vẫn còn đang hoạt động bình thường. Theo thuật ngữ phương Tây, đây là phương pháp sử dụng các nguồn năng lượng làm công cụ gây áp lực lên Điện Kremlin.

Tất nhiên, dự thảo này vẫn đang còn ở dạng nháp. Có thể chi tiết sẽ được sửa đổi. Nếu không, tầm quan trọng kinh tế của Ukraine đối với Nga sẽ tăng lên. Vì xét cho cùng, nhánh phía Nam của đường ống Druzhba đi qua Ukraine. Các lệnh trừng phạt trước đó của EU cũng đã thiết lập ngoại lệ cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc, vì những nước này vẫn cần nguồn năng lượng từ Nga. Tất cả những người tiền nhiệm của ông Volodymyr Zelensky, bắt đầu là ông Leonid Kuchma, đã cố gắng trong dĩ vãng để đảm bảo rằng tuyến đường ống dẫn khí đi từ Viễn Đông sang Ukraine để vào phương Tây sẽ không bị Nga làm khó dễ. Và, nhà lãnh đạo hiện nay của Ukraine đã gần như đạt được mục tiêu này. Nhưng, nghịch lý thay, điều này lại diễn ra vào đúng thời điểm một cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa hai nước.

NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga? - 3

Xe tăng Leopard 1A5 sẽ được cung cấp cho Ukraine.

Xa hơn một cuộc chiến

Trong khi một số nước đang chuẩn bị cho chiến dịch quân sự mạnh mẽ tại Ukraine thì một số khác cũng đang nghĩ tới thời hậu chiến Ukraine. Theo Pháp, xung đột sẽ kết thúc thông qua đàm phán và cần hết sức giúp đỡ để tạo thế mạnh cho Ukraine khi bước vào đàm phán, tất nhiên là với các điều kiện mà Kiev có thể chấp nhận. Paris cho rằng phải bằng mọi giá đẩy nhanh tiến trình thoát khỏi khủng hoảng, tức là tạo ra tương quan lực lượng thuận lợi cho Ukraine để buộc Nga chấp nhận thương lượng. Theo hướng này, cần có một thỏa thuận vững chắc hơn thỏa thuận Minsk với các bảo đảm vững chắc về an ninh cho Ukraine để tránh trường hợp tương tự tái diễn.

Về phần mình, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/5 đã kêu gọi Ukraine và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 16/5 cho biết Kiev và Moscow đã đồng ý đón tiếp một phái đoàn bao gồm nguyên thủ các nước Zambia, Senegal, Congo-Brazzaville, Uganda, Ai Cập và Nam Phi, nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine. Thông báo của Nam Phi được đưa ra vào lúc mối quan hệ giữa Washington và Pretoria đang căng thẳng sau những phát biểu của đại sứ Mỹ cáo buộc Nam Phi cung cấp vũ khí cho Nga và chỉ huy lực lượng bộ binh quân đội Nam Phi đang công du Nga.

Liên quan đến tình hình nội bộ Ukraine, trong những tuần gần đây, nước này đã tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào các chính trị gia, công chức và giới tài phiệt có liên quan tham nhũng. Đây là một trong những cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất của Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà điều này diễn ra vào thời điểm có nhiều hội nghị quốc tế đang bàn cách giúp đỡ Ukraine. Ông Zelensky cho biết Ukraine đang củng cố lòng tin của nhân dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để có được nhiều vũ khí hơn.

Theo (An ninh thế giới)
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/nato-dang-lao-vao-cuoc-doi-dau-voi-nga--i694095/
Copy Link
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/nato-dang-lao-vao-cuoc-doi-dau-voi-nga--i694095/
Bài liên quan
Nga cảnh báo phương Tây liên quan đến tiêm kích F-16
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, các quốc gia phương Tây "vẫn theo đuổi kịch bản leo thang", có thể gây "rủi ro lớn".

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO đang lao vào cuộc đối đầu với Nga?