Như vậy, theo đại biểu, trong lúc chúng ta đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế. Đó là điều đáng tiếc.
“Một điều cử tri quan tâm nếu tới đây thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu? Tại thời điểm hiện nay không có thông tin nào được coi là chính xác, vì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định”, bà Mai nói.
Tuy nhiên theo đại biểu, thực sự rất cần một sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không hình thức.
“Có ý kiến đề xuất tăng ở mức 21-22%, như vậy với mức này thì một người đang hưởng lương 10 triệu cũng chỉ tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu rất rõ ràng, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu.
Trong bối cảnh hội nhập thế giới, đại biểu cho rằng, rào cản quốc gia không còn là vấn đề. Hiện nay, cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt, đặc biệt các quốc gia đang già hoá dân số thì việc thu hút lao động nhập cư đang là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế.
“Nếu như không có một chính sách hợp lý thì chúng ta hoàn toàn có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, bà Mai nói và cho biết, cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu.
“Cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế”, bà Mai nhấn mạnh.