Lái xe qua Moldova vào cuối mùa hè sẽ thấy những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực trải dài khắp đất nước. Đây không chỉ là một cảnh đẹp, bởi ở đất nước nông nghiệp này, hướng dương đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Hướng dướng chiếm 25% diện tích đất trồng trọt ở Moldova tuy nhiên hiện nay, nông dân nước này ngày càng khó xuất khẩu hạt hướng dương do tắc nghẽn ở Biển Đen.
Một trong những lý do cho sự tắc nghẽn này là bởi các tài xế xe tải Ukraine cũng đang cố gắng xuất khẩu sản phẩm của họ qua nước láng giềng Moldova đến các cảng ở Rumani. Một tài xế xe tải Ukraine nói với EuroNews: "Chúng tôi đã đợi ở đây (ở cửa khẩu của Moldova) 4 ngày rồi."
Trong khoảng thời gian này, chiếc xe chở đầy ngũ cốc của tài xế chỉ di chuyển được 600 mét. Xung quanh anh, hàng trăm người tài xế ở Moldova và Ukraine khác cũng đang mắc kẹt. Đây hiện là thực tế hàng ngày ở biên giới phía nam Moldova, tại cửa khẩu Giurgiulesti.
Cửa khẩu trở thành một nút thắt cổ chai cho hàng hóa đang cố gắng đi ra tới Biển Đen.
Tài xế chờ đợi ở cửa khẩu. Ảnh: Euro News
Người Ukraine chờ đợi ở Moldova để chở hàng của mình sang Romania. Theo Bộ tài chính Moldova, họ có thể xếp hàng trung bình (ở cửa khẩu) từ 5 đến 7 ngày. Ở Romania, ngũ cốc được đưa đến cảng Constanta và từ đó đi khắp thế giới bằng các tàu chở hàng. Moldova trở thành một điểm trung chuyển quan trọng đối với nông sản Ukraine.
Các tài xế tụ tập thành từng nhóm bên đường, kiệt sức. Một số người ngồi im lặng trên bãi cỏ, một số người khác chia nhau thức ăn và nói chuyện với nhau. Các tài xế cho biết, họ không có nơi để ngồi chờ. Họ phải dùng bụi cây làm nhà vệ sinh và mang bình đựng nước theo để có nước tắm. Nhiều người đã đi hàng trăm kilomet từ Ukraine rồi bị mắc kẹt ở đây. Đây là điều chưa từng có đối với cửa khẩu biên giới Giurgiulesti, Euro News đánh giá.
Mailin Aasmae, thuộc đội Hỗ trợ Biên giới của Liên minh châu Âu (EU) tại Moldova và Ukraine cho biết, chỉ trong tháng 10, có 1307 xe tải chở hàng đã đi qua biên giới 2 nước qua cửa khẩu Giurgiulesti. Và hiện nay chưa có dấu hiệu cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc. Aasmae cho biết thêm, thời gian chờ đợi để đi qua cửa khẩu trung bình đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 9, từ 137 giờ lên 269 giờ.
Cánh đồng hoa hướng dương ở Moldova. Ảnh: Euro News
Kể từ khi Nga chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ukraine đã chuyển hướng vận chuyển ngũ cốc ra thế giới qua đường bộ từ tháng 7 năm nay. Moldova trở thành quốc gia đầu tiên là nơi trung chuyển ngũ cốc của Kiev.
Moscow từ chối gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Kiev sang những nước ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Lý do cho hành động này là bởi Nga cáo buộc các nước phương Tây đã phớt lờ những yêu cầu về việc dỡ bỏ rào cản xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga.
Nga đã cam kết viện trợ nhân đạo ngũ cốc cho châu Phi sau động thái này. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ gửi miễn phí tới 50.000 tấn ngũ cốc tới sáu nước châu Phi. Ngày 17/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev thông báo Moscow đã bắt đầu vận chuyển miễn phí số lượng ngũ cốc lên tới 200.000 tấn tới một số nước châu Phi.
Nông dân người Moldova Alexei Micu kiểm tra cánh đồng hoa hướng dương của mình trong vụ thu hoạch, tháng 9 năm 2023. Ảnh: Euro News
Xuất khẩu nông sản của chính Moldova cũng bị cản trở bởi sự tắc nghẽn.
Cuộc khủng hoảng ngũ cốc đã ảnh hưởng tới nông dân Moldova - trụ cột của nền kinh tế nước này. Theo Euro News, nông dân Moldova muốn đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài bằng mọi cách có thể nhưng lại khó có thể cạnh tranh với ngũ cốc giá rẻ của Ukraine.
Kể từ năm 2022, số quốc gia nhập khẩu ngũ cốc của Moldova đã giảm từ 25 nước xuống còn 14 nước.
"Người Ukraine có kho dự trữ ngũ cốc đáng kể từ vụ thu hoạch năm 2022 và họ cũng đang ở giữa vụ thu hoạch năm 2023," một nông dân Moldova, anh Alexei Micu chia sẻ với Euro News hồi tháng 9. Hậu quả là thị trường Moldova tràn ngập ngũ cốc của Ukraine. Anh Micu dự đoán rằng nhiều công ty sẽ phá sản trong những năm tới.
Moldova được cho là nước nền kinh tế nghèo nhất châu Âu.