Nền tảng Telegram cũng từng đối mặt với các vấn đề pháp lý ở Nga nhưng nhà sáng lập Pavel Durov không hề bị Nga truy bắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Sputnik.
Theo RT, bà Zakharova hôm 25/8 chỉ ra sự khác biệt giữa Nga và Pháp trong các vấn đề pháp lý liên quan mạng xã hội Telegram.
Bà Zakharova kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép với Pháp sau vụ nhà sáng lập Telegram Pavel Durov bị bắt ngay khi tới sân bay Paris-Le Bourget, phía đông bắc thủ đô Paris.
Truyền thông Pháp cho biết, Durov dự kiến sẽ ra trình diện trước tòa vào tối ngày 25/8 và có thể đối diện án tù giam lên tới 20 năm. Nhà chức trách Pháp cho rằng, quy định kiểm duyệt lỏng lẻo và công nghệ mã hóa của Telegram đã tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng rộng rãi nền tảng này.
Đưa ra bình luận trên Telegram, bà Zakharova nhắc lại vụ việc năm 2018, khi 28 tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ khác lên án việc Nga có ý định siết chặt kiểm soát Telegram.
Các tổ chức phi chính phủ đó yêu cầu Moscow "ngừng tạo ra những trở ngại đối với hoạt động của Telegram". “Họ kêu gọi Liên Hợp Quốc, Hội đồng châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ can thiệp để gây sức ép với Nga”, bà Zakharova nhắc lại vụ việc khi đó.
Bà Zakharova lưu ý với các tổ chức trên, rằng mặc dù Nga cũng có các vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động của mạng xã hội Telegram giống như các nước khác, nhưng Moscow không hành động giống như Paris. “Dù vậy, Durov vẫn được tự do, không hề bị Nga truy bắt và vẫn tiếp tục phát triển ứng dụng Telegram”, bà Zakharova nhấn mạnh.
“Liệu các tổ chức quốc tế lần này có lên án Pháp, yêu cầu trả tự do cho Durov hay liệu họ sẽ im lặng?”, bà Zakharova đặt câu hỏi.
Facebook, Instagram và mạng xã hội X (Twitter) bị cấm hoạt động ở Nga kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Trong khi đó, Telegram vẫn được phép hoạt động bình thường.
Các quan chức cấp cao của cả Nga và Ukraine thường đưa ra tuyên bố trên nền tảng Telegram liên quan tới cuộc xung đột đang diễn ra.
Trước đó, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, ông Vladislav Davankov kêu gọi Nga can thiệp để hối thúc Pháp trả tự do cho Durov.
“Việc Pháp bắt giữ nhà sáng lập Telegram có thể xuất phát từ động cơ chính trị và nhằm truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng Telegram”, ông Davankov nói, cho biết Nga không thể để điều này xảy ra.