Người đứng đầu cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Nga ngày 17/9 cho biết, cơ sở bí mật của ông đã sẵn sàng tiếp tục các cuộc thử hạt nhân “bất cứ lúc nào” nếu Moscow ra lệnh.
Ảnh minh họa Getty Images.
Moscow đã không tiến hành một cuộc thử vũ khí hạt nhân nào kể từ năm 1990, nhưng một số nhà phân tích phương Tây và Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin có thể ra lệnh thực hiện một cuộc thử nghiệm để cố gắng gửi thông điệp răn đe đến phương Tây nếu họ để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga, theo Reuters.
Một cuộc thử hạt nhân của Nga có thể khuyến khích những nước khác như Trung Quốc hoặc Mỹ có động thái tương tự, bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc, những nước đã dừng thử hạt nhân trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ.
Địa điểm thử nghiệm của Nga, nằm trên quần đảo Novaya Zemlya xa xôi ở Bắc Băng Dương, là nơi Liên Xô từng tiến hành hơn 200 vụ thử hạt nhân, bao gồm cả vụ nổ quả bom hạt nhân mạnh nhất thế giới từ trước đến nay vào năm 1961.
Nơi này được các vệ tinh do thám phương Tây theo dõi chặt chẽ. Các dấu hiệu về việc xây dựng đã được phát hiện vào mùa hè năm ngoái.
Chuẩn đô đốc Andrei Sinitsyn, người đứng đầu cơ sở hạt nhân của Nga, đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Rossiyskaya Gazeta, tờ báo chính thức của chính phủ Nga, vài ngày sau khi ông Putin cảnh báo phương Tây rằng họ sẽ trực tiếp chiến đấu với Nga nếu để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất.
Theo ông Andrei Sinitsyn, “địa điểm thử nghiệm đã sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động thử nghiệm quy mô lớn. Phòng thí nghiệm và các cơ sở thử nghiệm đã sẵn sàng. Nhân sự đã sẵn sàng. Nếu có lệnh, chúng tôi có thể bắt đầu thử nghiệm bất cứ lúc nào”.
“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là không làm gián đoạn việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước. Nếu nhiệm vụ tiếp tục thử nghiệm được giao, nó sẽ được hoàn thành trong khung thời gian quy định”, ông này nói thêm.
Tháng 11 năm ngoái, ông Putin đã ký một đạo luật mà theo đó, rút lại việc Nga phê chuẩn hiệp ước toàn cầu cấm thử vũ khí hạt nhân, một động thái mà ông cho biết là nhằm đưa Nga ngang hàng với Mỹ, quốc gia đã ký nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước.
Các nhà ngoại giao Nga khi đó cho biết Moscow sẽ không tiếp tục thử hạt nhân trừ khi Washington làm vậy. Vào tháng 6, ông Putin nói rằng Nga có thể thử vũ khí hạt nhân “nếu cần thiết”, nhưng hiện tại không cần phải làm như vậy.
Lần thử gần nhất của Mỹ là vào năm 1992. Chỉ có Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm liên quan đến vụ nổ hạt nhân trong thế kỷ này.