GDTĐ - Kiev bất ngờ ‘quay xe’ vào phút chót nếu không Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột vào tháng 3/2022.
Thông tin trên do Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm 19/4. Đây cũng là lần đầu tiên Nga hé lộ một số chi tiết điều khoản của dự thảo hoà bình với Ukraine.
Thoả thuận hoà bình đôi bên suýt đạt được trong cuộc đàm phán diễn ra vào tháng 3/2022, tức chỉ khoảng 1 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng. Các cuộc đàm phán khi đó được tổ chức tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thoả thuận khi đó có điều khoản Nga chấp thuận để NATO kích hoạt Điều 5 trong Hiến chương của khối đối với Ukraine, nếu như Kiev tuân thủ thỏa thuận Istanbul.
Lưu ý thêm rằng điều khoản này sẽ không áp dụng đối với vùng Donbass (miền đông Ukraine) và bán đảo Crimea. Nếu những vùng lãnh thổ này bị tấn công, các thỏa thuận giữa Nga và Ukraine sẽ lập tức bị vô hiệu hoá.
Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ có biện pháp phòng vệ tập thể.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Lãnh đạo NATO tuyên bố, Ukraine chưa thể gia nhập liên minh khi xung đột chưa chấm dứt.
“Một điều khoản khác trong thỏa thuận quy định rằng sẽ không có căn cứ quân sự hoặc cuộc tập trận nước ngoài nào có sự tham gia của nước thứ ba ở Ukraine, trừ khi có sự đồng ý của tất cả các nước bảo lãnh, bao gồm cả Nga và Trung Quốc", Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói thêm – “Vào phút cuối, Kiev đã quyết định thực hiện những sửa đổi ‘nhỏ’ đối với phần dành riêng cho các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của nước ngoài và thoả thuận đổ bể”.
Moscow cho rằng, phương Tây đã gây sức ép khiến Ukraine hủy bỏ thỏa thuận và quyết định tiếp tục cuộc xung đột với mục tiêu khiến Nga thất bại chiến lược trên chiến trường.
Cũng trong phát biểu, Bộ trưởng Lavrov tuyên bố, Nga không có ý định ngừng bắn ở Ukraine kể cả khi hai nước bắt đầu hòa đàm. "Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán nhưng không giống câu chuyện ở Istanbul, chúng tôi sẽ không ngừng giao tranh trong suốt quá trình đàm phán. Quá trình này phải tiếp tục", nhà ngoại giao Nga nêu rõ.
Nga cũng không chấp nhận giải quyết xung đột trên cơ sở "công thức hòa bình 10 điểm" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra, trong đó yêu cầu Nga rút hết quân khỏi Ukraine, khôi phục đường biên giới 1991 cho Ukraine.
Về hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6 tới, ông Lavrov nhấn mạnh Nga không coi đây là địa điểm phù hợp vì nước này không còn giữ vai trò trung lập.