Ngăn chặn bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh

Minh Phong | 28/10/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Thời gian gần đây, bạo lực học đường mà đối tượng tham gia là nữ sinh có chiều hướng gia tăng.

Ngăn chặn bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh ảnh 1
Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Bạo lực học đường cần được quy về hành vi chuẩn mực đạo đức xã hội, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường hoặc nội quy, quy chế trong các nhà trường. “Song bên cạnh đó, rất cần giáo dục từ gia đình. Theo đó, nền tảng văn hóa, sự gương mẫu của các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã đến lúc cần thể chế hóa các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Ngoài ra, xã hội mà cụ thể là khu dân cư cũng cần có quy định về phòng, chống bạo lực học đường. Chẳng hạn đưa vào hương ước, quy ước của khu dân cư về các chế tài xử lý bạo lực học đường nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình - nhấn mạnh, gia đình không thể phó mặc cho nhà trường, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ để cùng giáo dục con cái. Giáo viên cần trao đổi với phụ huynh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện có thể dẫn đến xung đột của các con.

Ngoài ra, phía nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Trên hết là giúp các em biết thích nghi, hòa nhập với bạn bè trong học tập và biết quản trị cảm xúc trước những tình huống căng thẳng. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống nhằm giúp các em trở thành người tốt và tử tế.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục - nêu quan điểm, việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là điều không thể. Bởi mỗi học sinh với những đặc điểm tâm thần kinh khác nhau, trong từng giai đoạn phát triển sẽ có nguy cơ gây bạo lực học đường ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà trường và thầy cô là quản lý và giảm thiểu đến mức thấp nhất để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Gia đình, xã hội, cơ quan truyền thông cần hợp tác, hành động vì chính những học sinh bị bạo lực và môi trường giáo dục lành mạnh cho những trẻ em khác.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng GD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhìn rộng ra, xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Khi thế “chân kiềng”: Nhà trường - gia đình và xã hội thật vững thì mới góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi học sinh, giúp các em hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, mới có thể kỳ vọng về việc ngăn chặn từ gốc nạn bạo lực học đường.

Trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-lien-quan-den-nu-sinh-post613310.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-lien-quan-den-nu-sinh-post613310.html
Bài liên quan
Chuyên gia hiến kế phòng chống bạo lực học đường
Các chuyên gia chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết về bạo lực học đường, đồng thời khuyến cáo một số giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh