Loạt ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay sau khi lãi tiết kiệm đã giảm mạnh
Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất được các nhà băng niêm yết đã giảm mạnh từ 11-12%/năm (cuối năm 2022) xuống chỉ còn 9,5%/năm. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động của nhóm ngân hàng quốc doanh phổ biến trong khoảng 7,4-8,2%/năm và nhóm ngân hàng tư nhân là 8,7-9,5%/năm. Cùng với đó, các nhà băng cũng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, Agribank vừa có thông báo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Tại thông báo mới nhất, Sacombank cho biết nhằm thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, ngân hàng vừa triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Cụ thể, với khách hàng cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, mức lãi suất tối thiểu Sacombank đưa ra là từ 8,99%/năm.
Với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách của Sacombank sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm.
Vietcapital Bank mới đây cũng triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất từ 10,5%/năm với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, gói vay có hạn mức 1.000 tỷ đồng, áp dụng với tất cả khách hàng vay vốn từ 1/2 đến hết 30/4 hoặc đến khi hết hạn mức.
Trước đó, VietinBank cũng có gói tín dụng 10.000 tỷ, lãi suất ưu đãi từ 7%/năm với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các khoản vay được ưu đãi lãi suất này có kỳ hạn tối đa 6 tháng, và phát sinh mới trong nửa đầu năm nay (đến hết 30/6).
Trong đó, MBBank giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng, từ ngày 10/2; OCB có gói tín dụng 25.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 8-12%/năm, áp dụng với khách hàng doanh nghiệp; SeABank có gói 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất tối đa 1%/năm, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh… Ngoài ra, SeABank cũng giảm lãi suất 1%/năm với các khoản vay phát sinh mới trong các lĩnh vực chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp và giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh còn lại.
Hồi đầu năm, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian giảm từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4/2023.
Trước việc một loạt ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các chuyên gia của SSI cho rằng với việc các ngân hàng đã họp bàn và thống nhất giảm lãi suất huy động 12 tháng tối đa từ 9,5%/năm về 8,7%/năm, SSI dự báo thời gian tới sẽ có nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 15/2, ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng cho rằng thực tế, mặt bằng lãi suất thực của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, NHNN cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Theo vị chuyên gia, nhà điều hành sẽ hành động khi có tín hiệu phát ra và nguy cơ tăng lãi suất từ bên ngoài xuống mức thấp nhất. Do đó, nếu lạm phát tháng 2 và 3 giảm rõ rệt, thị trường có thể kỳ vọng lãi suất bắt đầu xu hướng giảm.