Thời sự

Ngân hàng SCB đóng cửa thêm nhiều phòng giao dịch

PV {Ngày xuất bản}

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới phát đi thông báo về việc đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch tại TP HCM, Đà Nẵng và tháo gỡ 21 pano quảng cáo.

Cụ thể, tại TP HCM là các Phòng giao dịch Ngô Gia Tự - Chi nhánh Sài Gòn (228 - 230 đường Ngô Gia Tự, P.4, Q.10); Phòng giao dịch Nơ Trang Long - Chi nhánh Gia Định (170V - 170X đường Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh); Phòng giao dịch Mỹ Toàn - Chi nhánh 20/10 (988 đường Nguyễn Văn Linh, Khu phố 3, P.Tân Phong, Q.7); Phòng giao dịch Hoàng Sa - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (tầng trệt và tầng lửng số 921 - 923 đường Hoàng Sa, P.11, Q.3).

Tại thành phố Đà Nẵng, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Hoàng Diệu - Chi nhánh Đà Nẵng (340 đường Hoàng Diệu, P.Bình Thuận, Q.Hải Châu).

Trong tháng 12/2023, nhà băng này cũng đã công bố đóng cửa trên 10 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch mà nhà băng này dừng hoạt động lên 52 phòng giao dịch ở các tỉnh thành như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Long An, Đồng Nai… Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.

Ngoài ra, SCB còn tháo gỡ 21 pano quảng cáo tại 16 đơn vị kinh doanh SCB. Hiện, SCB đang mời chào giá gói thầu cho việc tháo dỡ này. Trước đó, nhà băng này thông báo thanh lý 23 xe chở tiền với giá khởi điểm chưa đến 4 tỉ đồng.

ngan-hang-scb.jpg

Sau 15 tháng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB, ngân hàng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Trước đó, ngân hàng SCB được cơ quan điều tra xác định có liên quan tới vụ án Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Dù không giữ chức vụ ở SCB, bà Lan nắm cổ phần chi phối nhà băng này đến hơn 91%, "là người có quyền lực cao nhất, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB".

Bà Lan trực tiếp tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt, chỉ đạo thành lập riêng ba đơn vị trực thuộc SCB để giải ngân cho vay theo yêu cầu của bà Lan.

Theo kết quả điều tra xác định, từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng.

So với quy mô GDP Việt Nam (cuối quý III năm 2023 là 4,7 triệu tỷ đồng), 1.066.600 tỷ đồng (43,96 tỷ USD) SCB giải ngân cho nhóm của bà Lan được ước tính chiếm khoảng 22,6% GDP.

Số tiền này cũng gấp 3 lần tổng mức đầu tư "siêu dự án" sân bay Long Thành (336.630 tỷ đồng), gấp 7 lần tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam (147.000 tỷ đồng).

Bài liên quan
Nóng tuần qua: Tình hình ngân hàng SCB ra sao sau sai phạm của Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kịp thời can thiệp để đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung cũng như hệ thống tài chính của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng SCB đóng cửa thêm nhiều phòng giao dịch