Ngành Giáo dục đã cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới

Minh Phong | 12/08/2022, 11:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành giáo dục đã những cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nỗ lực vượt khó

Qua hoạt động giám sát tại Bộ và các địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận thấy, các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc nghiên cứu, triển khai với tinh thần trách nhiệm cao.

Ông Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 – sáng 12/8, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhìn nhận: Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đây cũng là năm mà ngành Giáo dục đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Giáo dục đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo ông Vinh, điều kiện tiếp cận các bậc học trong hệ thống giáo dục ngày càng thuận lợi hơn. Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị phục vụ dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học. Chất lượng giáo dục các cấp học được duy trì, củng cố.

“Giáo dục THPT đã hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, vượt khó trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Môn lịch sử đạt được kết quả đáng khích lệ” – ông Vinh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng:

Kết quả này có được là do Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời, cùng với sự nỗ lực, tâm huyết của thầy cô trong đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, ra đề thi, trong đó có môn Lịch sử. Từ đó, tạo động lực để học sinh yêu thích học lịch sử. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh môn Lịch sử được thiết kế là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại cấp học THPT.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chú trọng triển khai, hoàn thành đúng kế hoạch, nhất là cho lớp 2, 6.

Ngoài ra, thành tích thi học sinh giỏi duy trì kết quả tốt trong bối cảnh dịch Covid -19. Giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống trong nhà trường tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ giáo viên tiếp tục được chuẩn hóa.

Bộ đã quan tâm rà soát, đánh giá và kiên trì phối hợp, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Mặt khác, công tác chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế được chú trọng.

Ngành Giáo dục đã cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, ông Vinh đồng thời trao đổi: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu phải xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người Việt Nam thích ứng với thời đại và hội nhập quốc tế.

Do vậy, việc xây dựng kế hoạch năm học 2022-2023 cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ với các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành giáo dục. Qua đó, huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thích ứng với bối cảnh, yêu cầu của giai đoạn mới.

Theo ông Vinh, nhiệm vụ năm học 2022-2023 vừa phải hoàn thành các mục tiêu trước mắt, thường xuyên, nhưng cũng cần xác định các mục tiêu ưu tiên và giải pháp đột phá cần hoàn thành đặt trong tầm nhìn 5 năm và chiến lược 10 năm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, kịp thời tham mưu, ban hành một số văn bản có tính chất định hướng như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030…

Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các nội dung mới trong Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục Đại học năm 2018. Sơ kết, đánh giá và kịp thời kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật.

Ông Vinh cũng đề nghị, Bộ cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: Phân định rõ công tác quản lý nhà nước và quản trị của các cơ sở giáo dục (theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư)…

Đánh giá về quy trình ban hành, phân tích nguyên nhân một số văn bản khi ban hành có nhiều dư luận trái chiều; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy trình để đảm bảo chất lượng và sự đồng thuận cao hơn từ dư luận xã hội.

Ngành Giáo dục đã cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới ảnh 2

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn và đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ của ngành trong thời qua.

Từ đó, xác định đúng những vấn đề cốt lõi, bản chất, có vai trò quyết định và tác động lan tỏa tới tất cả các khâu trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, ngành Giáo dục cần tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Nhắc lại, đại dịch Covid-19 tạo ra động lực lớn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục, tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, cần phải có chiến lược, kế hoạch, lộ trình rất khoa học, bài bản, tránh lãng phí, nhất là các nguồn lực đã được đầu tư, hỗ trợ trong đại dịch vừa qua.

Liên quan đến văn hóa học đường, ông Vinh nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam” là mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt của giáo dục. Đây là chủ trương lớn, cần được kiên trì tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan để hướng dẫn, chỉ đạo; các địa phương hưởng ứng, nghiêm túc triển khai.

“Khát vọng của dân tộc nằm phần lớn ở thế hệ trẻ. Hoài bão của học sinh, sinh viên phần lớn có được nhờ sự dạy dỗ, định hướng của các thầy, cô giáo. Mong muốn các thầy, cô giáo làm được việc này, nhất là trong thời kỳ cơ chế thị trường” – ông Vinh bày tỏ, đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT kiên trì mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất các cấp học từ mầm non đến đại học.

Riêng về lĩnh vực giáo dục đại học, ông Vinh nhấn mạnh, vừa qua Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị tự chủ đại học. Đề nghị Bộ tiếp tục phát huy, đồng thời rà soát, tập hợp các vấn đề vướng mắc, bất cập. Từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đại học; tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt chủ trương, hướng tới mục tiêu nền giáo dục Việt Nam phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển giáo dục nước nhà. - Ông Nguyễn Đắc Vinh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Giáo dục đã cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới