“Khi bác những nội dung trên ra thì chúng tôi đã biết nó vướng ngay từ đầu, nhưng chúng tôi bảo vệ không được, bởi vì biểu quyết theo đa số, cho nên phải chấp nhận và sau khi Nghị quyết 33 ra đời thì trong thời gian ngắn chúng tôi phát hiện ra những bất cập. Nên gần như tất cả các hoạt động kỳ thi, cuộc thi, hội thi của ngành giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện được vì không có kinh phí. Vướng nên có tiền cũng không chi được”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, trước bất cập này, Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị sửa đổi lại Thông tư 69 hoặc có văn bản gửi các địa phương để tháo gỡ cơ chế này thì Bộ Tài chính trả lời là ngoài những quy định tại Thông tư 69, các chính sách còn lại thực hiện theo Nghị định 163 của Chính phủ hướng dẫn luật ngân sách tức là cơ chế đặc thù của địa phương.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính thì Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh để có báo cáo đề xuất HĐND tỉnh và được Thường trực HĐND tỉnh đã đồng ý cho UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo để xây dựng một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33.
“Hiện nay chúng tôi đã thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi Sở Tư pháp để đơn vị này thẩm định nội dung này”, ông Thái cho hay.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng cho rằng, việc thẩm định không đơn giản, bởi nếu nghị quyết này một lần sửa là một lần khó và Nghị quyết này tuổi thọ của nó rất lâu cho nên nếu mà Nghị quyết này quá cứng nhắc thì các hoạt động giáo dục sẽ bế tắc tiếp.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại buổi đối thoại với ngành giáo dục và đào tạo hồi cuối tháng 4. |
Trong buổi đối thoại mới đây với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, liên quan việc sửa đổi Nghị quyết 33, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã họp và cho ý kiến.
“Có nghĩa là chúng ta sửa đổi Nghị quyết 33 và tích hợp thêm một số nội dung mới để ban hành thành một nghị quyết mới và trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp giữa năm”, bà Vân nhấn mạnh.
Bà Vân cũng đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính rà soát tất cả các cuộc thi, hội thi, kỳ thi để tích hợp vào trong nghị quyết lần này, từ thực tiễn đặt ra để ban hành một nghị quyết mới.
“Trong nghị quyết sửa đổi lần này sẽ có hai phần, một là những nội dung chi theo Thông tư 69 quy định và những nội dung theo cơ chế đặc thù của tỉnh”, bà Vân kết luận.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng những vấn đề nêu ra tại cuộc đối thoại là hoàn toàn xác đáng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, từ thực tiễn đặt ra trong công việc và yêu cầu các đơn vị liên quan ngoài trả lời tại buổi đối thoại, còn phải tổng hợp, trả lời bằng văn bản cụ thể từng vấn đề và hướng xử lý.
"Với trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu đầy đủ và rất đồng cảm, chia sẻ với tất cả những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo", bà Vân nói.
Bà Vân cho hay, hiện nay chi thường xuyên của tỉnh Quảng Ngãi ổn định trong thời gian 3 năm là 9.432 tỷ đồng, có nghĩa từ 2023 – 2025 ổn định với mức chi đó, vì vậy chi cho cái nào, chi cho ngành nào cần ban hành thêm cái gì thì chúng ta phải cân đối trong tổng số trên.
"Chi thường xuyên cho giáo dục chiếm 30 - 40% tổng chi thường xuyên toàn tỉnh. Đa dạng hóa các nguồn vốn để tập trung đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là vấn đề Đảng, chính quyền quan tâm", bà Vân nhấn mạnh.