TS Dương Tôn Thái Dương – Phó ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, có nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề này, từ nhu cầu xã hội, cho đến tổ chức thực hiện. Để gỡ khó cho các trường đào tạo một số lĩnh vực trên, TS Dương Tôn Thái Dương đề xuất, Bộ có thể hỗ trợ cơ sở đào tạo về cơ sở dữ liệu nền.
“Thời điểm này, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu của học sinh các trường THPT. Trên cơ sở đó, cần rà soát lại để có thể thực hiện đồng bộ dữ liệu” - TS Dương Tôn Thái Dương đề xuất, đồng thời mong muốn, trong thời gian sớm nhất có cơ chế chia sẻ dữ liệu đồng bộ, cho phép các cơ sở đào tạo tải cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển để chủ động cho công tác tuyển sinh. Nếu việc này được triển khai đồng bộ, các trường đại học sẽ có cơ hội để tư vấn cho phụ huynh, học sinh đúng và trúng hơn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định, hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Nhìn nhận nguyên nhân dẫn tới việc một số cơ sở đào tạo tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, nhất là ở một vài lĩnh vực và ngành đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín, yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.
Ngoài ra, một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được cơ sở đào tạo gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, giành thị phần của trường khác. Một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng. Mặt khác, do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ, dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, đặc biệt chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên.
Mới đây, Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản đã đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan có chiến lược và chính sách phù hợp cho hệ thống truyền thông. Qua đó, nhằm chỉ đạo, định hướng thông tin cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường, là trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh những người dám dấn thân làm việc trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Mặt khác, có chính sách lương, thưởng ưu đãi thỏa đáng cho lực lượng lao động trong ngành này.