Cần bài toán quy hoạch tổng thể
Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng: Khó khăn của ngành giao thông tác động tới sự lựa chọn của người học. Đất nước nào cũng cần cơ sở hạ tầng giao thông, bởi đó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển. Do đó, trong tương lai có thể đây lại là những ngành “hot”.
Chia sẻ thêm về thực tế này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho hay: Lĩnh vực đường sắt và đường bộ là 2 ngành chính của trường. Đi kèm 2 ngành này là các lĩnh vực như: Xây dựng công trình đường sắt - đường bộ, cơ khí, điều khiển hệ thống đường sắt - đường bộ; kinh tế, quản lý đường sắt - đường bộ... Tuy nhiên, thời gian qua, các lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều gặp khó khăn.
Ở lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình đường bộ, những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho giao thông vận tải giảm đáng kể; do đó nhu cầu nhân lực giảm, dẫn đến nhu cầu đăng ký vào học cũng giảm theo. “Chúng tôi nghĩ giảm chỉ có tính chất tạm thời, còn về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông vận tải là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, những ngành nghề này cần được tiếp tục mở rộng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”- PGS.TS Nguyễn Thanh Chương trao đổi.
Trăn trở về những ngành khoa học cơ bản khó thu hút thí sinh, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất – cho hay: Nhiều thí sinh chỉ nghe tên gọi, nên nghĩ đó là những ngành không có tiềm năng. Các em chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học này. Ngoài ra, thí sinh cũng không có sự đánh giá tổng thể và dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề khiến các em không hình dung được thị trường lao động trong tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn khó thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn phải thu hẹp quy mô tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương mong muốn, xã hội và thí sinh cần quan tâm hơn, hiểu đúng với giá trị của các ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để có sự lựa chọn trong đăng ký xét tuyển. Hiện nay, nhân lực chất lượng cao những ngành nghề này vẫn rất thiếu. Nhân lực quản lý ở các ngành nghề này cũng thiếu, dẫn đến giá thành và chi phí công trình bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều công trình dở dang do quản lý kém. Do đó cần có chính sách đặt hàng với những ngành có tính chất chuyên sâu đặc thù của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và một số các ngành kinh tế - xã hội khác để bảo đảm sự phát triển vững chắc.