Tuy nhiên, có không ít người phải gác công việc để đi định danh biển số nhưng không thành công. Có mặt tại đây, vợ chồng ông Dương Quốc Phong (ngụ quận 3) cho biết hồ sơ của ông chưa thể đăng ký do ô tô của vợ chồng ông mua bán bằng hợp đồng ủy quyền nên không thể sang tên đổi chủ. "Xe mua bán năm 2020 bằng hợp đồng ủy quyền, không phải hợp đồng mua bán nên bây giờ cán bộ hướng dẫn phải về làm hợp đồng mua bán để có giấy đăng ký xe (cà vẹt) mang tên tôi, sau đó mới đi làm định danh được" - ông Phong cho biết.
Về trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Bình Thạnh), cán bộ CSGT cho biết ông phải liên hệ với chủ xe cũ để làm hợp đồng mua bán xe vì xe của ông mua bán bằng hình thức hợp đồng ủy quyền. Thêm vào đó, do người con mà ông Sơn muốn chuyển quyền sở hữu xe đang sống tại quận 8 nên ông sang quận 8 làm thủ tục.
Lấy người dân làm trung tâm
Trung tá Tạ Quang Minh, Tổ trưởng Cơ sở đăng ký xe số 2, cho biết trong ngày đầu thực hiện Thông tư 24, lượng phương tiện được đưa đến sang tên, xin cấp lại giấy đăng ký tăng cao. Nhiều người đã quyết định đến làm thủ tục từ hôm trước để sáng sớm 15-8 được cấp biển số định danh.
Theo trung tá Tạ Quang Minh, trong ngày đầu tiên do có nhiều thay đổi cách làm thủ tục nên người dân không tránh khỏi lúng túng, thắc mắc và phải chờ sự hướng dẫn của CSGT, mất nhiều thời gian. Một số trường hợp vì mua bán xe đã lâu nên không tìm được chủ cũ để sang tên đổi chủ, trước khi làm định danh biển số, cán bộ CSGT đã hướng dẫn người dân làm thủ tục phù hợp. Theo trung tá Minh, trong ngày đầu ô tô, xe máy được quản lý theo mã định danh, lực lượng chức năng đã chuẩn bị phần mềm đăng ký xe, cùng hàng ngàn bộ hồ sơ gốc để nhanh chóng tích hợp biển số xe vào mã số định danh.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an lấy người dân làm trung tâm phục vụ, làm nguồn lực, động lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì Thông tư 24/2023 có 3 điểm mới so với thông tư trước đây. Theo đó, mỗi người dân có số định danh cá nhân để gắn với biển số xe của mình. Qua đó, nâng cao được quyền của chủ phương tiện, nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, người dân có thể đăng ký xe ở cư trú (thường trú, tạm trú), tức là người dân có CCCD đều có thể đăng ký xe. Cuối cùng, là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, Bộ Công an đã tiến hành số hóa hồ sơ. Khi người dân mua bán, sang tên chuyển chủ thì đều có dữ liệu hồ sơ điện tử, việc thực hiện thủ tục được nhanh chóng.
Đà Nẵng: Hệ thống mạng bị quá tải Trưa cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết ngày đầu áp dụng biển số định danh, tại một số điểm cấp đổi biển số xuất hiện tình trạng tồn đọng, ùn ứ hồ sơ cục bộ. "Phòng CSGT tập trung 100% cán bộ để hướng dẫn, giúp người dân xử lý việc cấp đổi biển số định danh. Nhưng hệ thống có lúc quá tải do lượng truy cập quá nhiều. Hệ thống cứ "quay vòng vòng" khiến việc xử lý bị chậm trễ" - đại tá Truyền nói. |