“Nghề” cha mẹ khó hơn làm Tổng thống

VH | 04/09/2021, 07:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Để con phát triển tốt nhất, cha mẹ cần quan sát, tìm hiểu bản chất, tính khí, khả năng của trẻ. Lắng nghe nhu cầu của con và điều chỉnh cách tiếp cận của chính mình.

nghe-lam-cha-me-3.jpeg

Nghề “đi thăng bằng trên dây”

Một vị Tổng thống được phóng viên đặt câu hỏi: “Làm Tổng thống khó hơn, hay làm cha mẹ khó hơn?”. Vị Tổng thống đã nghĩ rất nhanh và trả lời: “Dĩ nhiên là làm cha mẹ khó hơn. Tổng thống là một công việc được bồi dưỡng rồi bổ nhiệm. Làm cha mẹ thì không”.

Có lẽ, câu chuyện vui này khiến bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng phải suy nghĩ. Bởi, trẻ em như một mầm cây. Để phát triển, trưởng thành, mầm cây cần sự tưới tắm, vun trồng và chăm sóc hằng ngày của người làm cha mẹ. Đặc biệt, trong những năm tháng đầu đời của trẻ, phương pháp chăm sóc, giáo dục từ cha mẹ là nền tảng giúp con lớn khôn, trở thành những người hạnh phúc và công dân có ích.

Làm cha mẹ cũng cần phải học. Tuy nhiên, điều này có thể khá xa lạ với nhiều người sắp và đang có con. Thực tế, cha mẹ nào cũng cần phải "trưởng thành theo sự lớn lên của con".

Theo Hoàng Nhật Duy - người sáng lập nhóm Làm cha mẹ, khi nuôi dạy con, phụ huynh thường xuyên bắt gặp mình đứng trước cuộc chiến giữa lý trí và con tim. Điều đó giống như phải đi thăng bằng trên dây. Một phản ứng không phù hợp có thể làm khô héo tâm hồn con. Ngược lại, một lời khen đúng lúc có thể tạo cảm hứng giúp con thăng hoa. Trong mỗi khoảnh khắc, cha mẹ đều phải lựa chọn xây hay phá, sưởi ấm hay làm nguội lạnh tâm hồn trẻ.

Song, hầu hết phụ huynh đều từng vô tình vấp vào "cái bẫy" của việc áp đặt mong muốn lên con. Đây cũng được cho là lý do mấu chốt khiến rất nhiều trẻ em hiện nay lớn lên trong hoang mang. Thậm chí, nhiều trường hợp phải chịu hậu quả nghiêm trọng hơn là mắc vấn đề tâm lý.

"Điều quan trọng nhất phải nhận ra khi nuôi dạy con là không phải mình đang nuôi dưỡng một "bản sao thu nhỏ", mà là một linh hồn sống động riêng biệt. Con không phải là vật sở hữu của ta theo bất cứ cách nào. Khi hiểu sâu sắc điều này, ta biết điều chỉnh cách nuôi dưỡng con theo nhu cầu của con, chứ không nhào nặn con cho vừa với nhu cầu của ta", nhà sáng lập nhóm Làm cha mẹ chia sẻ.

nghe-lam-cha-me-4.jpeg

Trở thành… người làm vườn

Trong khi đó, bà Nguyễn Tú Anh - chuyên gia tư vấn phụ huynh chia sẻ: "Hãy chăm (nuôi và dạy) con như một người làm vườn, chứ đừng điêu khắc con như một người thợ mộc”.

Nữ chuyên gia chia sẻ, đây là khái niệm ẩn dụ để miêu tả về hai trường phái nuôi dạy con được nêu ra bởi Giáo sư Tâm lý - Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sự phát triển trẻ em Alison Gopnik (Đại học California, Mỹ). Triết lý này cũng được Giáo sư Gopnik viết thành sách mang tựa đề “The Gardener and The Carpenter”.

"Theo cách ví von này, công việc của một người thợ mộc là đẽo gọt các tấm gỗ vô tri thành bất kỳ hình dạng nào mà họ muốn, chỉ cần có tay nghề điêu luyện. Tương tự, cha mẹ kiểu “thợ mộc” thường xác định sẵn trong đầu một mục tiêu và hình mẫu nhất định cho con. Họ tin rằng, chỉ cần có một công thức và chiến lược đỉnh cao, họ có thể vạch ra lộ trình và uốn nắn con đi theo để đạt được mục tiêu ấy. Do đó, các con thường ít được lắng nghe và ít có cơ hội trải nghiệm đa dạng, ít được thử, ít được mắc sai lầm để học từ những kinh nghiệm đó", bà Tú Anh chia sẻ.

Trong khi đó, nếu cha mẹ nuôi dạy trẻ như một người làm vườn, họ nhìn nhận mỗi đứa con là một hạt giống, một loài cây khác nhau. Cha mẹ hiểu, con có những nhu cầu riêng và khác biệt hoàn toàn về cách chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc của cha mẹ là tạo ra một hệ sinh thái và môi trường tốt nhất cho từng đứa con được tự do phát triển theo cách riêng.

nghe-lam-cha-me-1.jpeg

"Để có thể chăm và dưỡng con phát triển tự nhiên một cách tốt nhất, cha mẹ cần quan sát, tìm hiểu bản chất, tính khí, khả năng của trẻ. Lắng nghe nhu cầu của con và điều chỉnh cách tiếp cận của chính mình. Cha mẹ hãy cho con được chơi, cùng con trải nghiệm thật nhiều, ở bên cạnh khi con va vấp và mắc sai lầm. Bởi, đây là cách cha mẹ có thể giúp con trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc. Ngoài kiến thức, đây là những “vũ khí” lợi hại để con trở thành một cá thể vững chãi trong tương lai", nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Vì vậy, theo bà Tú Anh, đôi khi, để sửa được con, cha mẹ cần tự sửa mình trước. Thông qua các kỹ năng mềm và công cụ giao tiếp giữa cha mẹ và con, phụ huynh có thể tự tin hiểu rõ trẻ đang cần gì. Hoặc, tinh thần và tâm lý của con ra sao. Đồng thời, hiểu rõ hơn bản thân trong vai trò là người cha, mẹ.

"Từ tinh thần tích cực và thái độ tự tin trong vai trò làm cha mẹ, khoảng cách giữa phụ huynh và con sẽ được rút ngắn. Sợi dây kết nối được bồi đắp chắc chắn hơn. Việc dạy con và giúp trẻ phát triển tối ưu sẽ không còn là thử thách khó khăn hay xa vời nữa, mà là một hành trình đầy ý nghĩa và niềm vui", nữ chuyên gia nhận định.

lam-cha-me2.jpg

Mục tiêu giáo dục con

Chia sẻ về những điều cha mẹ cần chuẩn bị để nuôi dạy con, chuyên gia về tâm lý học trẻ em, nhà tư vấn phụ huynh Phan Linh, nhấn mạnh: "Trước hết, hãy xác định mục tiêu của giáo dục".

Hãy đặt ra câu hỏi, cha mẹ muốn nhìn thấy con mình như thế nào vào năm chúng 25 tuổi - khi não bộ đã thực sự hoàn thiện? Sau đó, liệt kê những đặc điểm tính cách sẽ giúp con khi trưởng thành. Đặc điểm không chỉ đơn giản để con trở thành người tốt, mà cần có ý chí, niềm tin, làm việc chăm chỉ, lạc quan...

Theo nữ chuyên gia này, muốn trau dồi những phẩm chất đó, cha mẹ cần phải có kế hoạch trước. Đồng thời, cũng là để không làm tổn thương trẻ khi bị "nhồi nhét" quá nhiều. Phụ huynh cần biết trẻ phát triển như thế nào ở những độ tuổi khác nhau. Điều đó nghĩa là biết về sinh lý, tâm lý, sự phát triển thần kinh, não bộ, dinh dưỡng...

Ngoài ra, cha mẹ cần biết nhu cầu tâm sinh lý của con theo từng độ tuổi. Chẳng hạn, vì sao con cần phải cảm thấy được an toàn khi lên 1, 3, lên 5 hay 15 tuổi? Bởi, nếu không có cảm giác an toàn, não trẻ sẽ không thể đồng hóa thông tin một cách hiệu quả.

Hoặc, cha mẹ cần hiểu về nhu cầu ngủ ở mỗi độ tuổi của con. Vì sao trẻ phải thức dậy giữa đêm nhiều lần cho tới 2 - 3 tuổi? Vì sao chuyện bám víu vào một lịch trình cứng nhắc và ép con theo sẽ có hại nhiều hơn lợi? Dinh dưỡng con cần là gì? Lượng đường trẻ nên ăn một ngày sẽ tác động tới giấc ngủ ra sao?

Vậy, cha mẹ cần đặt ra câu hỏi rằng, những nhu cầu của trẻ phải được đáp ứng thế nào? Vì sao con rất khác người lớn, nhưng chúng ta luôn lấy suy nghĩ và thói quen của mình để áp đặt ngược lại trẻ?

nghe-lam-cha-me-5.jpeg

Theo bà Phan Linh, các cha mẹ có thể tìm xem loạt phim tài liệu "Babies" trên Netflix. Đây là một bộ phim khoa học chứa hầu như đầy đủ thông tin về mọi khía cạnh xoay quanh một đứa trẻ. Do đó, phụ huynh không cần ngồi tìm kiếm hay sa đà vào những cuộc thảo luận không hồi kết trên mạng xã hội, hoặc những tờ báo "lá cải".

Ngoài ra, phụ huynh cũng sẽ cần biết những đặc điểm riêng của từng đứa trẻ. Thậm chí, phải tự nghiên cứu lại hằng năm, bởi chúng sẽ thay đổi. Cha mẹ cũng cần biết mức độ phát triển hiện tại của trẻ. Tức là khi cấu trúc não bộ và các chức năng thần kinh cao hơn được hình thành như thế nào. Chẳng hạn như khả năng nhận thức và trí tuệ cảm xúc của trẻ sẽ rất hạn chế trước khi chúng lớn hơn 2. Song, không phải đứa trẻ nào cũng như nhau. Do đó, nếu con 15 tháng mới bắt đầu biết đi, điều đó cũng chưa chắc là bất thường.

Theo bà Phan Linh, cha mẹ cũng cần biết dạng thức nào sẽ thu hút sự chú ý của con: Hình ảnh hay âm thanh? Nhận thức của con đang ở đâu? Con thường có tư duy kiểu gì. Tính khí của con thế nào? Con thích gì? Ngôn ngữ tình yêu của riêng con ra sao? Phong cách giao tiếp hiệu quả hơn với con là gì? Khả năng và những khuynh hướng đặc biệt của con như thế nào?

Dù đã biết, cha mẹ cũng không nên cứng nhắc. Bởi, tất cả những điều đó sẽ thay đổi hằng năm, thậm chí là thường xuyên hơn. Trong khi đó, với bản thân, phụ huynh cũng cần biết mình là kiểu cha mẹ nào.

nghe-lam-cha-me-2.jpeg

Cần đặt ra những câu hỏi như: Các thành viên khác trong gia đình có phong cách, quan điểm nuôi dạy con ra sao? Những phong cách này có phù hợp với nhau không, có tạo thành một không gian hài hòa cho trẻ không? Liệu nó có hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu giáo dục hay không?

Đồng thời, cần nhìn nhận về tính cách của bản thân. Làm sao để tính khí của cá nhân hòa hợp với con? Ngôn ngữ tình yêu của cha mẹ là gì? Giới hạn an toàn và kiểm soát sự bình tĩnh của cha mẹ tới đâu? Khi nào phụ huynh có thể làm tổn thương hay "phá vỡ" một đứa trẻ? Những giá trị và thái độ nào từ thời thơ ấu có thể cản trở việc nuôi dạy con?

Theo nữ chuyên gia này, trước hàng loạt câu hỏi đó, cha mẹ hãy cố gắng khám phá tất cả theo một hệ thống có thứ tự, logic, được khoa học chứng minh. Đồng thời, cố gắng để lên kế hoạch và tự trau dồi bản thân trước khi có con, cũng như trước khi đứa trẻ lớn lên. Bởi, việc cha mẹ trưởng thành và có hiểu biết hơn ngày hôm nay sẽ tác động rất nhiều tới một đứa trẻ cũng như sự trưởng thành của chúng.

Bài liên quan
Con hư tại bố... chưa ngoan
Từ xưa, chuyện nuôi dạy con cái được mặc định của phụ nữ. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà mà không biết rằng con cái hư đốn - hoàn toàn có thể tại bố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nghề” cha mẹ khó hơn làm Tổng thống