Bên cạnh sự đồng tình với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27 của Chính phủ, các nhà giáo cũng có những chia sẻ, để xuất mới khi xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.
Theo NGƯT Lê Văn Hoành, về nguyên tắc xét tặng, Dự thảo Nghị định nêu rõ: “Việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp giảng dạy, giáo dục;...”. Tuy nhiên, nên nhấn mạnh cụm từ “Nhà giáo trực tiếp giảng dạy” mạnh mẽ hơn nữa. Bởi, điều này hoàn toàn xứng đáng với những nhà giáo mà cả cuộc đời đã gắn bó với “sự nghiệp cầm phấn”.
“Dự thảo Nghị định đã rất chặt chẽ từ câu từ cho tới tiêu chuẩn, quy định đều chuẩn chỉ. Tuy nhiên, từ lý thuyết đi tới thực tiễn phải làm sao cho thật chuẩn và những người được xét tặng NGND, NGƯT phải thật xứng đáng với danh hiệu cao quý đó”, thầy Hoành nói.
Cựu học sinh tặng hoa cho Nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành, nhân dịp về thăm trường. |
Trong khi đó, cô Hà Thị Khuyên cũng có những chia sẻ, góp ý về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.
Cụ thể, với tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, Dự thảo quy định: “Danh hiệu NGND được xét tặng cho các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục từ 20 năm trở lên; CBQLGD có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy, giáo dục; đã được phong tặng danh hiệu NGƯT”.
Tương tự, để xét tặng danh hiệu NGƯT, nhà giáo phải có thời gian trực tiếp giảng dạy là 15 năm trở lên; CBQLGD phải từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Về điều này, cô Hà Thị Khuyên cho rằng không nhất thiết phải đảm bảo thời gian công tác như trên nếu nhà giáo, CBQLGD thực sự ưu tú, có nhiều đóng góp cho Ngành.
“Có thể điều chỉnh thời gian trực tiếp giảng dạy xuống thấp hơn miễn sao trong khoảng thời gian công tác, giảng dạy, nhà giáo, CBQLGD thực sự có tầm và có những đóng góp lớn lao, ý nghĩa cho cộng đồng và sự nghiệp giáo dục”, nữ GV nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo cô Khuyên nên cân nhắc về việc sử dụng thành tích được xét tặng với danh hiệu nhà nước như nghệ sĩ, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú khi xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Tuy nhiên, việc sử dụng danh hiệu phải liên quan đến lĩnh vực chuyên môn mà cá nhân đó xét tặng.
Chẳng hạn, một nghệ nhân chữ Thái có hiểu biết chuyên sâu về chữ viết, tiếng nói dân tộc Thái nhưng đồng thời cũng giảng dạy chữ Thái thì đó cũng là điều kiện hoàn toàn xứng đáng để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.
“NGND, NGƯT là danh hiệu rất cao quý đối với những người công tác trong ngành giáo dục. Vì vậy, việc xét tặng đối với những người được đề xuất phải thực sự xứng đáng chứ không phải là sự dễ dãi dẫn tới loạn danh hiệu hay mưa danh hiệu,...”, nữ GV nhấn mạnh.
"Cần chú trọng hơn nữa mức độ uy tín, ảnh hưởng lan tỏa tích cực trong Ngành, lĩnh vực và địa phương. Bởi, NGND, NGƯT phải thực sự là những người có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân, học sinh và đồng nghiệp. NGND, NGƯT là người mà khi tiếp xúc, làm việc đều phải “tâm phục khẩu phục”, Nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành.