Cần công bằng khi xét tặng danh hiệu nhà giáo

Hồ Lài | 28/08/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Dự thảo thay thế Nghị định 27 về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân nhân, Nhà giáo Ưu tú nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến.

nha giao nhan dan 2020
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức trao tặng danh hiệu NGƯT có 34 cán bộ, giáo viên, giảng viên được công nhận năm 2020.

Quy đổi thời gian dạy trực tiếp theo hệ số phù hợp

Đối với danh hiệu Nhà giáo Nhân nhân (NGND), một trong những tiêu chuẩn “cứng” theo Nghị định 27 quy định số năm trực tiếp giảng dạy: giáo viên, giảng viên 20 năm trở lên; CBQLGD có thời gian công tác trong ngành 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, nên có quy đổi hệ số năm giảng dạy đối với nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục theo tỷ lệ cụ thể đối với mỗi cấp học.

Lý do cán bộ làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục vẫn đảm nhận vai trò trực tiếp giảng dạy với số tiết quy định theo từng cấp học. Nếu ngành giáo dục không tính là thời gian trực tiếp giảng dạy cho cán bộ quản lý ở các trường học thì phải quy đổi số năm trực tiếp giảng dạy theo một hệ số thích hợp.

Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ quản lý là những người có chuyên môn khá, giỏi, uy tín cao trong tập thể nên được bổ nhiệm cán bộ quản lý sớm, trước thời gian quy định của Nghị định (15 năm). Khi làm cán bộ quản lý nhiều người đã xây dựng cơ sở giáo dục trở thành những điển hình tiên tiến, nhưng vì không đủ thời gian trực tiếp giảng dạy nên không được suy tôn. Do đó cần có sự quy đổi số năm làm cán bộ quản lý mà vẫn giảng dạy thành các năm trực tiếp giảng dạy theo hệ số thích hợp.

Đảm bảo công bằng, xứng đáng khi xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT ảnh 1
Những người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú có năng lực chuyên môn vững vàng, được đồng nghiệp công nhận, suy tôn.

Tương tự đối với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cũng cần có quy đổi hệ số phù hợp để đảm bảo sự công bằng. Đơn cử cán bộ quản lý ngành Y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh như bệnh viện…, thời gian làm công tác quản lý vẫn tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn. Nếu ngành giáo dục không tính là thời gian trực tiếp giảng dạy cho cán bộ quản lý ở các trường học thì phải quy đổi số năm trực tiếp giảng dạy theo một hệ số thích hợp.

Trong 2 lần phong tặng gần đây nhất, ngành Giáo dục Nghệ An không có cá nhân đạt danh hiệu NGND, có 47 người được công nhận NGƯT. Trong đó lần phong tặng năm 2017 là 15 người và lần phong tặng năm 2020 là 32 người.

Làm rõ một số tiêu chuẩn để tránh nhầm lẫn trong xét duyệt

NGƯT Phạm Huy Đức (nguyên Chánh văn phòng Sở GD&ĐT) – Hội Cựu giáo chức tỉnh Nghệ An cho hay, tính đến nay, ngành Giáo dục tỉnh (ngoại trừ các trường ĐH trên địa bàn) mới có thầy Lê Văn Phớt – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An được công nhận Nhà giáo Nhân dân. Những cá nhân sau này chưa đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về số lần được tặng danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh, Bộ hoặc GV dạy giỏi cấp tỉnh, Bộ; được tặng Bằng khen của Thủ tướng trở lên (giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thì 2 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, Bộ trở lên).

Theo NGƯT Phạm Huy Đức, hầu hết những người được phong tặng danh hiệu NGƯT đã có nhiều năm công tác, tuổi cao, đã làm quản lý. Sau đó thường không tham gia các cuộc thi về chuyên môn cấp tỉnh, Bộ nữa. Khi làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND thì các chứng chỉ, bằng khen… không đạt yêu cầu do được trao tặng trước thời điểm đạt NGƯT. Vì vậy, Nghị định nên quy định rõ thành tích đạt được sau khi được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” để rõ ràng, tránh nhầm lẫn trong quá trình xét tặng.

Đảm bảo công bằng, xứng đáng khi xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến thăm Nhà giáo Nhân dân Lê Văn Phớt (thứ 3 từ trái sang).

Bên cạnh đó, đề xuất sửa 2 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, Bộ trở lên thành 2 lần được tặng Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh đoàn thể Trung ương trở lên. Lý do để thống nhất với Luật Thi đua khen thưởng hiện hành.

Trong tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, đại diện ngành giáo dục Nghệ An cũng đề xuất sửa đổi từ “chủ trì sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học” thành "tác giả sáng kiến kinh nghiệm, chủ trì nghiên cứu khoa học". Lý do theo quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến thì không có quy định về chủ trì sáng kiến mà chỉ có quy định về tác giả sáng kiến. Theo đó, tác giả sáng kiến là người trực tiếp tạo ra sáng kiến bằng chính lao động sáng tạo của mình. Đồng tác giả sáng kiến là những tác giả cùng nhau tạo ra sáng kiến.

Về tiêu chuẩn đối với cán bộ quản lý ngành Giáo dục, bà Nguyễn Thị Tuất – Phó Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, nhận được nhiều ý kiến đề xuất bỏ điều kiện “tác giả chính 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế”. Bởi quy định này hiện không phù hợp với thực tế công việc của các cán bộ quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục.

Hoặc nếu đã quy định cán bộ quản lý có 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế (tác giả chính) thì nên được coi là điều kiện tương đương, bình đẳng với cán bộ quản lý có 3 sáng kiến hoặc chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học… Không bắt buộc cán bộ quản lý ở các sở, phòng GD&ĐT đã tham mưu 4 văn bản quy phạm pháp luật lại còn phải có thêm 5 bài báo khoa học nữa.

Ngành Giáo dục Nghệ An cũng đề xuất nên quy định rõ thời điểm được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT trước ngày 20/11 năm được công nhận, để các địa phương tổ chức trao tặng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa vinh danh. Bên cạnh đó, nên có hướng dẫn quy định rõ thời gian xử lý hồ sơ của Hội đồng từng cấp, tránh trường hợp kéo dài thời gian trong quá trình xét tặng, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà giáo và uy tín của ngành.

Bài liên quan
Đề xuất bộ tiêu chí xét công nhận nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân
Thầy Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) nêu ý kiến về bộ tiêu chí xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần công bằng khi xét tặng danh hiệu nhà giáo