Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân nhân, Nhà giáo Ưu tú: Không khắt khe nhưng không dễ dãi

Long Anh | 05/06/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 27 về xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân nhân, Nhà giáo Ưu tú đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích với mong muốn nghị định mới sẽ được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Nhà giáo Trần Thị Minh Yến - Trường THPT Trần Phú và Lưu Thị Tuyển - Trường THPT Trần Nguyên Hãn được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng năm 2021Nhà giáo Trần Thị Minh Yến - Trường THPT Trần Phú và Lưu Thị Tuyển - Trường THPT Trần Nguyên Hãn được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng năm 2021

Phát huy vai trò của cơ sở

Nhà giáo ưu tú và nhà giáo nhân dân trước hết là những người có năng lực trí tuệ, có uy tín và lan tỏa ảnh hưởng, có nhiều đóng góp và đạt những thành tích được ghi nhận, được nhân dân và đồng nghiệp, và học sinh quý mến. Đó là những tiêu chuẩn quan trọng nhất để xét tặng các danh hiệu cao quý dành cho các nhà giáo.

Với kinh nghiệm lâu năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Nguyễn Văn Lự - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với các điều khoản của Dự thảo Nghị định và đề xuất một số vấn đề để Nghị định phù hợp hơn với thực tế tại địa phương và đơn vị công tác.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Lự, Nghị định mới nên giảm số thành viên trong các Hội đồng xét tặng các cấp. Các Hội đồng từ cấp cơ sở đến nhà nước chỉ 7 đến 9 thành viên. Các thành viên đại diện cho các tổ chức, ban ngành trực tiếp liên quan lĩnh vực công tác của đối tượng. Ý kiến của Hội đồng cấp cơ sở xét là căn cứ chuẩn nhất vì là đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng. Nên quy định rõ Hội đồng cơ sở sẽ chịu trách nhiệm kiểm chứng các thông tin minh xác. Hội đồng cấp trên xét thêm các kênh thông tin khác để đảm bảo minh bạch và công bằng, khách quan.

Vì thế, Hội đồng xét cấp cơ sở gồm: Thủ trưởng, thủ phó phụ trách chuyên môn, công đoàn, phụ trách tổ chức, phụ trách thi đua, tổ trưởng và đại diện nhà giáo đã đạt danh hiệu NGND, hoặc NGƯT. Theo Thông tư Hướng dẫn xét tặng danh hiệu thì Hội đồng cấp trên đều dựa theo kết luận của Hội đồng cấp dưới. Ví dụ, trong nhà trường, các tổ trưởng hay NGND không cùng tổ chuyên môn cũng rất ít thông tin về đối tượng xét. Do đó, giảm số thành viên Hội đồng là hợp lý.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự và học sinh Trường THPT Vĩnh Yên

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự cũng đề nghị số phiếu của Hội đồng đồng ý từ 90% xuống từ 80% tán thành. Theo quan điểm của thầy Lự, không như nghệ sĩ, nhà giáo tác động trực tiếp quyền lợi người học và bố mẹ học sinh và nhân dân nơi cư trú nên ý kiến rất khó nhận được sự đồng thuận cao.

Thực tế cho thấy, tại tỉnh Vĩnh Phúc đợt xét NGƯT gần đây nhất có nhà giáo đủ điều kiện nhưng chỉ là giáo viên trường Chuyên, không có cơ hội giao tiếp, hay công việc chuyên môn để nhiều người biết nhà giáo này, khi lấy tín nhiệm toàn Ngành không đạt số phiếu cần thiết.

Linh hoạt và quan tâm đối tượng đặc thù

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Lự, việc lấy phiếu tín nhiệm rộng rãi trên các kênh và tất cả đơn vị, thăm dò dư luận đều được công khai là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo không giữ chức vụ trưởng, phó cơ quan giáo dục các cấp sẽ mất điểm vì nhiều người không biết thông tin về nhà giáo đó nên không tán thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao Bằng khen cho giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021

“Chính vì vậy, tôi đề nghị việc lấy ý kiến dư luận cần quy định linh hoạt nhiều kênh. Ví dụ, nhà giáo làm quản lý thì coi trọng ý kiến biểu quyết của các đơn vị, nhà giáo là giáo viên thì coi trọng ý kiến của các nhà giáo cùng ngành/môn và ý kiến của người học và cha mẹ người học, và của khu dân cư.

Bên cạnh đó, số lượng sáng kiến kinh nghiệm hoặc quy đổi Học sinh giỏi theo Điều 10 của Nghị định 27, quy đổi các danh hiệu thi đua tương đương là hợp lý. Quy định về số lượng các bài báo hay tài liệu, hoặc sáng kiến kinh nghiệm là hợp lý. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả áp dụng sáng kiến không chỉ dựa vào kết quả nghiệm thu đề tài của Hội đồng nghiệm thu các cấp mà cần công khai trên website của ngành để thăm dò dư luận về tính hiệu quả của đề tài. Kết quả thăm dò cần xem là một minh chứng quan trọng đánh giá sáng kiến kinh nghiệm của đối tượng” - thầy Nguyễn Văn Lự nhấn mạnh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự góp ý thêm: Theo quy định ở cấp phổ thông các Hiệu trưởng phải dạy theo định mức 2 tiết và Hiệu phó 4 tiết/tuần, thời gian trực tiếp giảng dạy là ít nhất 15 năm. Thực tế không ít nhà giáo làm quản lý không tham gia giảng dạy, (có xếp thời khóa biểu nhưng không dạy) nên đề nghị bỏ tiêu chí cộng dồn số năm trực tiếp nuôi dạy.

Về 6 nhóm đối tượng, đề nghị giảm tiêu chuẩn của đối tượng ở vùng khó khăn và dạy học sinh khuyết tật. Đề nghị tăng số lượng sáng kiến, tài liệu đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trường chuyên, năng khiếu- nơi nhà giáo dễ dàng đạt nhiều thành tích cao. Chỉ có nhà giáo dạy trường chuyên, năng khiếu mới có cơ hội đạt thành tích cao (giải quốc gia, quốc tế) mà giải quốc gia, giải tỉnh thì theo Quy chế thi HSG, 50% thí sinh dự thi sẽ đạt giải.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGUT) đã diễn ra vào ngày 27/4 tại TP. Hải Phòng.

Tại Hội thảo, lãnh đạo Vụ thi đua khen thưởng – Bộ GD&ĐT đã trình bày cấu trúc dự thảo Nghị định, so sánh với Nghị định số 27/NĐ-CP, đề xuất điểm mới và lý do đề xuất, bổ sung, hoàn thiện Nghị định cũ để công tác Thi đua khen thưởng đánh giá, ghi nhận chính xác hơn cá nhân được phong tặng.

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về đối tượng, góp ý điều chỉnh từ ngữ, nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng, công bố danh hiệu và tổ chức trao tặng, kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng, điều kiện và cách tính quy đổi, tiêu chuẩn danh hiệu, trình tự, thủ tục xét tặng. Từ đó, nhằm xây dựng cho dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được hoàn thiện hơn.

Bài liên quan
Ông Bùi Huy Vĩnh làm Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc được phân công thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân nhân, Nhà giáo Ưu tú: Không khắt khe nhưng không dễ dãi