Để đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, STEAM, nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ cần đội ngũ giáo viên đam mê, vững vàng mà nhà trường phải thường xuyên tổ chức các hoạt động và khuyến khích thầy cô cùng học sinh tham gia nghiên cứu, các cuộc thi… để có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Tại Trường THCS TT Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), để khuyến khích học sinh và giáo viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoài việc khen thưởng sản phẩm đạt kết quả trong các cuộc thi, trường còn ghi nhận “thành tích” giáo viên hướng dẫn tương đương với thành tích “giáo viên giỏi”, học sinh được công nhận và thưởng tương đương với “học sinh giỏi văn hóa”.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lộc, thời gian qua trường không những chủ động trong việc giảng dạy, nâng cao chất lượng, mà còn chú trọng đến công tác đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, STEAM, nghiên cứu khoa học cho học sinh bằng cách khuyến khích cách làm hay trong đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, trường ứng dụng tốt giáo dục hành động WINDY, tận dụng vật liệu phế thải tạo ra những sản phẩm tiện ích như tranh, dụng cụ học tập, vật dụng trong gia đình, sản phẩm dự thi các cuộc thi…
Thầy Trần Quang Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long), trao đổi: Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhà trường cho giáo viên và học sinh tham gia các cuộc thi về nghiên cứu khoa học kỹ thuật để kiểm nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ bạn bè, đồng nghiệp và giám khảo chấm thi.
Trường cũng thường xuyên cung cấp trang web hay về những thành tựu khoa học kỹ thuật để học sinh và giáo viên nghiên cứu, ứng dụng vào việc dạy và học; phát thanh dưới cờ, đọc thông tin tuyên truyền trong 15 phút đầu giờ, lồng ghép trong cuộc họp giao ban giáo viên chủ nhiệm về phát động, đôn đốc học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu. Ngoài ra để động viên và khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia, nhà trường tổ chức vinh danh dưới cờ những tập thể và cá nhân đoạt giải trong các cuộc thi.
Từ góc nhìn người hướng dẫn, theo thầy Lê Thanh Liêm, để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giáo viên phải giúp học sinh hiểu đúng, rõ về tầm quan trọng trong nghiên cứu khoa học, từ đó các em có động lực chính đáng để tham gia vào các hoạt động. Đồng thời, giáo viên hướng dẫn phải gần gũi, thân thiện, hiểu được những áp lực học tập của học sinh; tạo điều kiện tốt nhất về tâm lý, thời gian và trang thiết bị nghiên cứu, sáng tạo khi các em cần.
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhìn nhận: Nhiều dự án khoa học của học sinh có ý tưởng mới, sáng tạo, tính thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh toàn xã hội đang dần thích ứng với dịch bệnh và những biến đổi về môi trường sinh thái. Điều đó cho thấy khả năng nắm bắt vấn đề cũng như tư duy sáng tạo của các em. Một số dự án đã thể hiện quá trình nghiên cứu, đầu tư một cách nghiêm túc, tinh thần quyết tâm trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của phong trào nghiên cứu khoa học ở một số đơn vị.