Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng xác định được 18 tác nhân tại nơi làm việc có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư buồng trứng như: bột talc, amoniac, hydro peroxide, bụi tóc, sợi tổng hợp, sợi polyester, thuốc nhuộm và bột màu hữu cơ, xenlulô, formaldehyde, khí đẩy, các hóa chất tự nhiên trong xăng dầu và thuốc tẩy. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng các thợ làm tóc, chuyên viên thẩm mỹ thường xuyên tiếp xúc với 13 chất trong số này, bao gồm cả amoniac, hydro peroxide, thuốc nhuộm và chất tẩy trắng. Họ cũng thường xuyên tiếp xúc với bột talc.
Tuy nhiên, vẫn chưa có chứng cứ chắc chắn rằng liệu ung thư buồng trứng chỉ do tiếp xúc với các yếu tố nghề nghiệp này hay còn liên quan đến các yếu tố bên cạnh khác.
Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, mỗi năm ước tính có tổng cộng 225500 ca ung thư buồng trứng mới được chẩn đoán và 140200 bệnh nhân sẽ chết vì căn bệnh này, đây là dạng ung thư phổ biến thứ 7 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 8 ở phụ nữ trên toàn thế giới.
Ung thư buồng trứng có thể được chẩn đoán bằng siêu âm và xét nghiệm máu. Tuy nhiên, việc chẩn đoán ung thư buồng trứng vẫn gặp khó khăn do các triệu chứng của bệnh không rõ ràng và có thể giống với các bệnh khác. Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng đều được phát hiện ở giai đoạn trễ. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể bao gồm đau bụng dưới, khó tiêu, đầy hơi, mệt mỏi và sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Việc điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Đa số sẽ đáp ứng trong lần đầu trị liệu, nhưng tỷ lệ tái phát rất cao, cộng thêm tình trạng kháng thuốc điều trị. Thời gian sống sau khi phát hiện bệnh đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Chính vì vậy, vai trò của việc phòng ngừa vô cùng quan trọng.
Nghiên cứu này như một hồi chuông nhắc nhở chúng ta rằng cần phải quan tâm đến rủi ro của nghề nghiệp mà chủ yếu do phái nữ đảm nhiệm, tầm quan trọng của mức độ phơi nhiễm cũng cần được lưu ý hơn trong tương lai. Dù thế nào, hãy mang đồ bảo hộ lao động nếu có thể để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân bạn và cho thế hệ sau!