Tỉnh Bình Định mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, tư vấn giúp tỉnh nghiên cứu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ và hàng không.
Ngày 19/7, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Định về kết quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian qua và định hướng thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, so với một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung, Bình Định có xuất phát điểm về phát triển KHCN tương đối thuận lợi.
Trong đó, Bình Định có nhiều thiết chế, hạ tầng về KHCN và đổi mới sáng tạo chất lượng cao, tiêu biểu là Trung tâm Quốc tế và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo… không chỉ có uy tín, sự ảnh hưởng trong giới khoa học trong nước mà còn cả quốc tế.
Trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Tỉnh ủy Bình Định đã có Chương trình hành động về phát triển KHCN và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Bình Đình cho thấy, tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2021 là 33,18%, năm 2022 là 41,95%, năm 2023 là 40,34% (mục tiêu đề ra là bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 38 - 42%).
Tốc độ đổi mới công nghệ năm 2020 là 7,5%, năm 2021 là 11,5%, năm 2022 là 17,39% (mục tiêu đề ra là 17 - 20%/năm).
Tỉnh đang triển khai thực hiện phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại thành phố Quy Nhơn tiến đến từng bước hình thành Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Bình Định.
Lĩnh vực sở hữu trí tuệ của tỉnh Bình Định cũng có nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, tỉnh Bình Định vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý "Bình Định" cho sản phẩm mai vàng của tỉnh và đã có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ (35 nhãn hiệu chứng nhận và 31 nhãn hiệu tập thể).
Tỉnh Bình Định đề nghị Bộ KH&CN quan tâm giúp đỡ Bình Định một số nhiệm vụ KH&CN; tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm rượu Bàu Đá và sản phẩm Dừa xiêm Bình Định thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ quốc gia.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ và hàng không trên cơ sở Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo; Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khu vực; Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là rất lớn. Đồng thời đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, tỉnh cần tiếp tục phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, sản xuất; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương....
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương ủng hộ thực hiện. Thứ trưởng KH&CN giao lãnh đạo các đơn vị của Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị của tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xử lý…
Liên quan đến dự án Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ, UBND tỉnh Bình Định vừa chỉ đạo Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng dự án, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
Theo Sở KH&CN tỉnh Bình Định, dự án được đầu tư tại thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định), khu vực gần Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo Quy Nhơn.
Dự án khi đi vào hoạt động giúp phổ biến các ngành khoa học về thiên văn, hàng không vũ trụ với các thiết bị, học liệu tiên tiến.
Về lâu dài, dự án sẽ phát triển thành đầu mối thu thập, xử lý hình ảnh viễn thám lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Qua đó, tham gia các mạng lưới nghiên cứu trong nước, quốc tế nhằm thừa hưởng hoặc liên kết, chuyển giao các linh kiện, phụ kiện, trang thiết bị về thiên văn, vũ trụ.