Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella

25/04/2018, 11:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngộ độc thực phẩm đang trở thành nỗi lo hàng đầu của người dân, bởi đây là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh đường tiêu hóa và cũng được cho là nguyên nhân gây ra các căn bệnh ung thư. Trong đó nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu chính là vi khuẩn Salmonella.

Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo mọi người dân nên tuân theo những quy tắc thực hành sau đây để phòng ngộ độc thực phẩm:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước trước và sau khi chế biến thức ăn.
  • Rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước đang chảy, không rửa trong bồn hay chậu.
  • Sử dụng thớt và các dụng cụ nhà bếp riêng để chế biến thực phẩm sống và chín.

Nguồn nhiễm Salmonella không từ thực phẩm

Những vật nuôi trong nhà có thể chứa vi khuẩn Salmonella trong ruột, do vậy phân của những động vật này có thể là nguồn lây nhiễm như rùa, rắn và những loài bò sát khác, gà và chim. Cần luôn luôn rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với những động vật này hay chất thải của chúng.

Dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn Salmonella

Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn Salmonella bao gồm đau bụng, tiêu chảy và sốt thường khởi phát từ 12-72 giờ sau ăn. Phần lớn bệnh nhân chỉ cần bù nước và tự hồi phục trong vòng 4-7 ngày mà không cần thiết phải can thiệp y khoa. Những người bị tiêu chảy nặng sẽ cần phải truyền dịch đường tĩnh mạch. Việc sử dụng kháng sinh đối với người khỏe mạnh không phải lúc nào cũng cần thiết trừ khi vi khuẩn từ ruột phát tán ra các cơ quan khác. Những trường hợp ngộ độc nặng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Biện pháp phòng tránh ngộ độc do Salmonella

Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Người đang bị một bệnh nhiễm khuẩn không nên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (chuẩn bị, chế biến, nấu nướng).

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bệnh từ thực phẩm: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Emedicinehealth

Theo vienyhocungdung.vn
https://vienyhocungdung.vn/ngo-doc-thuc-pham-do-vi-khuan-salmonella-20160802101603407.htm
Copy Link
https://vienyhocungdung.vn/ngo-doc-thuc-pham-do-vi-khuan-salmonella-20160802101603407.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella