Là tôi đang muốn nhắc đến cái bếp củi thân thương của gia đình mình ngày trước.
Cái bếp củi ấm áp thấm đẫm tình quê đã ủ ấp bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu ước mơ của mấy anh em chúng tôi một thời thơ ấu…
Tôi còn nhớ rõ, ở quê mình, nhà nào cũng có bếp củi, nằm ngay giữa gian nhà bếp hoặc ở cái chái bên nhà. Hai bên bếp thường có hai cái kệ để gác củi, bên dưới là bao trấu tiện dùng nhóm bếp.
Đón Xuân mới, ai cũng sửa soạn lại nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ. Cái bếp cũng thế, phải dọn hết tro, củi phải thật khô, chất ở hai bên kệ ngăn nắp. Phần sạch nhất của tro bếp được mẹ đem để bỏ vào lọ cắm hương, phần lớn tro còn lại là để ủ phân xanh bón cho vụ Xuân.
Nơi nấu thường có kiềng ba chân là chỗ đặt xoong. Kiềng bằng gang hoặc sắt. Về sau nhiều nhà dùng chiếc kiềng dài có thể đặt cùng lúc hai hoặc ba chiếc.
Phía trên bếp là gác dựa hay gác bếp. Đó là một cái sàn nhỏ khoảng bằng chiếc giường đơn được kết bằng thanh tre treo lên. Cái gác dựa là nơi để đủ thứ. Từ bó lạt đến ống tre, ống nứa đựng đỗ, lạc. Một cái rổ đựng mộc nhĩ. Trong rổ còn có sẹo bò, có thể có cả mấy con ốc nhồi đang thu mình ngủ…
Cái gác hứng khói bếp qua nhiều ngày, nhiều tháng tạo thành bồ hóng. Cái thứ bồ hóng này cũng lại thành một thứ hữu ích với nông dân. Nó cùng với vôi, ớt, muối trộn vào thành một hỗn hợp, gói lại bằng một miếng vải xô, buộc vào đầu que tre thành cái “mồi” đánh đỉa. Đó là thứ dụng cụ giúp người đi cấy, gặt đồng chiêm xua đuổi lũ đỉa đói mỗi khi lội xuống đồng.
Riêng với bọn trẻ chúng tôi, bồ hóng còn là chất hữu ích dùng cho những phiên trực nhật lau bảng. Có lẽ với những cô cậu học sinh thời chúng tôi việc vào bếp lấy chổi quét bồ hóng để mang đến trường đã là hình ảnh quen thuộc.
Trong rất nhiều kỉ niệm gắn với cái bếp lửa, tôi nhớ nhất một kỉ niệm buồn liên quan đến… bồ hóng quét trên gác bếp.
Chẳng là, hôm ấy hai anh em tôi tình cờ đều được phân công mang bồ hóng và giẻ lau để làm nhiệm vụ xóa bảng. Tối ấy trời lạnh, sau khi học bài xong, tôi leo lên giường ngủ luôn.
Sáng ra, trước lúc đi học mới nhớ đến nhiệm vụ trực nhật, tôi cuống cuồng lao xuống bếp thì thấy một ít bồ hóng đã gói cẩn thận trong tờ giấy báo nên định cầm chạy đi luôn. Nhưng em tôi ngăn lại vì đó là gói bồ hóng mà nó đã chuẩn bị từ đêm qua.
Thế là, tôi đã giành với nó. Cái gói bồ hóng nhỏ bị giật nát bay tung tóe lên áo. Nó khóc toáng lên, lăn đùng ra giữa nhà bếp, hai chân giãy đành đạch. Cha tôi vừa nhìn thấy đã hiểu chuyện. Cha cúi người lấy sẵn cái roi mây để ở gác bếp. Kết quả, tôi bị cha cho “thưởng thức” trận roi mây nhớ đời.
Ảnh minh họa: ITN. |
Ngoài kỉ niệm buồn về trận roi năm ấy, hình ảnh cái bếp nhỏ đến nay vẫn như ngọn lửa xanh thầm cháy ở trong mấy anh chị em tôi. Những kí ức ấm áp, hạnh phúc của gia đình quây quần bên bếp lửa.
Đó là niềm vui khi cả nhà ngồi sưởi lửa, nghe mẹ, nghe bà kể những câu chuyện cổ tích vào mỗi buổi tối mùa Đông giá buốt. Đó là những buổi chiều rét căm căm, cha mẹ đi cấy về vội vào nhóm bếp hong một chút cho ấm người. Đó là những khoảnh khắc cái bếp trở thành không gian ẩm thực cho cả nhà thưởng thức. Ngô nướng, khoai nướng, sắn nướng, rồi cua ốc... thơm phưng phức cả tuổi thơ tôi.
Bỗng nhiên da diết nhớ hình ảnh bà. Cái bếp lửa ngày xưa đã không còn. Bà cũng đã rời xa cháu con từ lâu lắm! Không còn những đêm Đông ngồi chăm chú bên bếp lửa nồng nàn nghe bà kể chuyện. Không còn được nắm đôi bàn tay nhăn nheo, xù xì cùng bà nhẹ nhàng đưa từng thanh củi nhỏ cho vào bếp. Không còn được bà xoa đầu khen ngợi mỗi khi được điểm cao.
Những lúc thấy mấy chị em tôi co ro người vì lạnh, bà lại hơ hơ đôi bàn tay của mình bên ngọn lửa cho đủ ấm và áp vào từng đôi má của mấy chị em. Bà đã đi xa. Bếp lửa chỉ còn cháy trong kí ức. Nhưng sự ấm áp truyền từ ánh nhìn của bà, truyền từ ngọn lửa bếp thì còn mãi ánh lên, xanh thầm trong lòng mấy chị em tôi.
Người Việt, nhất là ở nông thôn, bếp lửa luôn là một không gian sinh hoạt ấm cúng nhất. Có lẽ hình ảnh cả gia đình quây quần bên bếp lửa đón chào Xuân mới hay mỗi mùa Đông sang mãi là hình ảnh đẹp nhất trong bất kì ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn.
Một chút nuối tiếc khi bây giờ hình ảnh thân thương ấy đang dần mất đi trong đời sống hiện đại. Nhưng vẫn luôn hi vọng, mỗi người vẫn nhen nhóm vào gian bếp nhà mình ngọn lửa thân thương, ấm cúng, yên bình.