Vận may cho nông dân Thái
Sau khi kết thúc vụ thu hoạch lúa mới nhất, bà Sripai Kaeo-eam vội vã dọn ruộng và trồng vụ mới vào cuối tháng 8 - phớt lờ lời khuyên của chính phủ Thái Lan về việc hạn chế gieo hạt thêm vào năm 2023 để tiết kiệm nước.
“Vụ mùa này là niềm hy vọng của chúng tôi”, người nông dân 58 tuổi ở tỉnh Chai Nat, miền trung Thái Lan nói và chỉ vào những cây lúa xanh mới chỉ cao vài inch.
Bà Sripai đang kỳ vọng vào giá gạo ở mùa vụ mới. Ảnh: Reuters
Bà Sripai, người đang cố gắng thoát khỏi khoản nợ hơn 200.000 baht Thái (khoảng hơn 130 triệu đồng Việt Nam), trong bối cảnh giá gạo tăng đột biến trên toàn cầu, gần mức cao nhất trong khoảng 15 năm, sau khi Ấn Độ - nước vận chuyển ngũ cốc sử dụng nhiều nước lớn nhất thế giới - hạn chế xuất khẩu.
Nông dân trên khắp vùng trung tâm nông nghiệp Thái Lan sẽ được hưởng lợi. Mức giá hiện tại mang đến một cơ hội hiếm có. “Chúng tôi hy vọng có thể trả hết nợ. Chúng tôi đang cầu mong may mắn", bà Sripai nói khi ngồi trước tòa nhà gỗ xiêu vẹo nơi bà sống.
Đối với hàng triệu nông dân, vụ mùa hiện tại là cánh cửa hẹp để thoát khỏi cuộc sống bị đè nặng bởi nợ nần. Bà Sripai cho biết, một vụ thu hoạch bội thu có thể bán được giá cao gấp đôi hoặc gấp ba so với hầu hết các năm.
“Bây giờ tôi đang mơ vì Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu", bà nói.
"Ngủ quên trên chiến thắng"
Gần một nửa đất nông nghiệp của Thái Lan được dành để trồng lúa, với hơn 5 triệu hộ gia đình tham gia.
Tuy vậy, theo 2 chuyên gia và đánh giá dữ liệu của chính phủ, hệ thống trồng lúa hàng thế kỷ của Thái Lan đang chịu áp lực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, các khoản nợ nông nghiệp không bền vững và thiếu sự đổi mới.
Theo dữ liệu của chính phủ, nhiều gia đình nông dân đang phải chịu gánh nặng tài chính sau khi vay mượn để trang trải cho mùa màng của mình, với khoản nợ hiện đã kéo dài qua nhiều thế hệ.
Người nông dân nước này vẫn đối mặt với nhiều nỗi lo khi diện tích đất trồng lúa ở Thái Lan đã giảm 14,5% trong tháng 8 so với cùng tháng năm 2022, theo ước tính của chính phủ. Con số này đã giảm hàng năm kể từ năm 2020.
Gạo Ấn Độ và Việt Nam ngày càng thu hút hơn trên thị trường. Ảnh: Reuters
Chuyên gia nông nghiệp Somporn Isvilanonda cho biết, việc giảm diện tích đất canh tác có thể làm giảm sản lượng gạo của Thái Lan, làm tình trạng lạm phát lương thực càng thêm trầm trọng sau khi nạn hạn hán khiến sản lượng ở các nước sản xuất gạo quan trọng khác bị ảnh hưởng.
Theo Krungsri Research, Thái Lan đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo xay vào năm 2022 sang các nước trên khắp Trung Đông, Châu Á và Châu Phi.
Phó giáo sư Somporn, thành viên cấp cao tại Viện Mạng lưới Tri thức trực thuộc nhà nước Thái Lan (KNIT), cho biết: “Diện tích canh tác giảm do thiếu lượng mưa và nước tưới”.
Theo dự báo của chính phủ, tình trạng thiếu nước có thể sẽ trầm trọng hơn vào năm 2024 khi hiện tượng thời tiết El Nino khô hạn gia tăng.
Giáo sư Somporn dự báo sản lượng sẽ giảm khoảng 30% trong hai vụ trồng trọt tiếp theo do thiếu nước.
Bà Sripai, người phải trả lãi suất 6,875% cho khoản vay của mình, cho biết: “Tất cả nông dân trong nhóm của chúng tôi đều mắc nợ”. “Chúng tôi mắc nợ khi đối mặt với hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh”.
Thái Lan có mức nợ hộ gia đình cao nhất châu Á. Theo dữ liệu của chính phủ, vào năm 2021, 66,7% tổng số hộ gia đình nông nghiệp mắc nợ, phần lớn là từ các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.
Các kiểu thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino gây ra đang tạo ra rủi ro cho nông dân.
Theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia, lượng mưa vào năm 2023 thấp hơn 18% so với bình thường và các hồ chứa chính chỉ được lấp đầy khoảng 54% tổng công suất. Biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, khi các chuyên gia dự đoán năng suất lúa trung bình sẽ giảm và biến động lớn hơn trong sản xuất.
Tiến sĩ Nipon Poapongsakorn, chuyên gia nông nghiệp tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết nền tảng của ngành lúa gạo Thái Lan được đặt vào cuối thế kỷ 19 dưới thời trị vì của Vua Chulalongkorn, người thúc đẩy thương mại tự do và cải cách nông nghiệp và đất đai.
Giáo sư Somporn của KNIT cho biết, hàng thập kỷ đầu tư vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng đã cho phép nông dân chuyển sang các giống có năng suất cao bắt đầu từ những năm 1960, củng cố vị thế của Thái Lan khi đó là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ông nói: “Chúng tôi đã mắc kẹt trong thành công của mình”, nhấn mạnh đến sự sụt giảm đầu tư nghiên cứu lúa gạo từ 300 triệu Baht một thập kỷ trước xuống còn 120 triệu Baht được phân bổ cho năm nay.
“Giống lúa của chúng tôi đã cũ, năng suất rất thấp”, vị Giáo sư nói thêm.
Các chuyên gia cho biết, trong những năm gần đây, các nước như Ấn Độ và Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu, vượt xa Thái Lan về năng suất và giành được sức hút trên thị trường xuất khẩu.