Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng kết luận, bệnh nhân dương tính virus dại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bệnh dại là một bệnh do virus gây ra, hầu như luôn gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người.
PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai cho biết, khi đã lên cơn dại thì không có thuốc chữa, 100% cả động vật và người nhiễm virus đều tử vong.
Bệnh dại thờng trải qua hai giai đoạn: tiền triệu chứng và viêm não. Ở giai đoạn tiền triệu chứng kéo dài từ 1- 4 ngày với biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu. Người bị dại lúc này thường có cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.
Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, người bệnh còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện.Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC nhấn mạnh, khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại, người dân nên vệ sinh vết thương. Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
Tiếp đến người bị chó cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.
Sau khi vệ sinh vết thương xong, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.
Cuối cùng người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ Chính cũng lưu ý người bị chó cắn không được đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương; Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá và không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.