Gương sáng nơi xã đảo
Xã đảo Thạnh An có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện 7 km đường thủy. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Giao thông đi lại khó khăn nhưng từ khi ra trường, mặc dù có những cơ hội làm việc tại trung tâm TPHCM nhưng cô Ngân vẫn quyết tâm trở về công tác tại xã đảo. Năm 2013, để dạy dỗ các em tốt hơn, cô Ngân vừa làm vừa học và tốt nghiệp hệ Cử nhân Mầm non của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Suốt 10 năm gắn bó với Thạnh An, người giáo viên này chưa từng có ý định chuyển công tác, dù đã vài lần có cơ hội việc làm tốt hơn trong đất liền. Điều kiện sống ở xã đảo còn nhiều khó khăn, nhưng cô Ngân luôn tìm mọi cách để khắc phục, nỗ lực hết lòng vì trẻ nhỏ. Đối với nghề dạy trẻ, cô Ngân luôn tâm niệm rằng giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non đòi hỏi người giáo viên phải cần mẫn tỉ mỉ và hết lòng yêu thương trẻ.
Theo chia sẻ của cô Ngân, suốt bao nhiêu năm giảng dạy, kỷ niệm mà cô không thể nào quên đó là năm học 2013 - 2014, khi được phân công đến điểm lẻ ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An để dạy. Do Thiềng Liềng là một ấp nghèo nằm tách biệt với xã Thạnh An, xung quanh là sông nước, đi lại khó khăn. Thế nhưng đều đặn vào mỗi cuối tuần cô giáo trẻ lại sắp xếp đồ đạc lên Quận 5 (TPHCM) để học tập.
“Thật sự giai đoạn đó, mặc dù rất vất vả, nhưng sống và dạy học ở ấp Thiềng Liềng, phụ huynh rất thân thiện, học trò rất nghe lời và lễ phép. Nhiều hôm tôi còn được phụ huynh biếu gạo, rau, cá, tôm… bản thân cảm thấy xúc động lắm. Dù xa nhà nhưng nhìn các em hứng thú với việc đến trường mỗi ngày và đi học đều hơn, tôi rất phấn khởi, thêm yêu nghề, có nghị lực phấn đấu hơn trong công việc”, cô Ngân nhớ lại.
“Trong suốt thời gian gắn bó với nghề dạy trẻ ngay tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên, nhìn những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em, tôi dường như quên hết mọi âu lo trong cuộc sống. Thực sự nếu cho cơ hội lần hai tôi chọn nghề, tôi vẫn chọn nghề mầm non. Tôi muốn đóng góp và cống hiến hết mình cho người dân xã đảo này”, cô Ngân bộc bạch.
Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An, ở Thanh An giáo viên mầm non bên cạnh việc tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ, thì việc khắc phục những khó khăn trở ngại trước mắt để tiếp tục gắn bó với nghề là điều rất quan trọng. Những điều này đồng nghiệp nhìn thấy ở cô giáo Ngân. Suốt những năm qua, Ngân luôn hòa đồng với đồng nghiệp, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ một số giáo viên mới ra trường.
“Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu về giảng dạy tại trường, Ngân luôn hăng say, nhiệt tình và hết lòng chăm sóc các em thơ. Lớp Ngân phụ trách luôn được phụ huynh học sinh tín nhiệm. Tại trường, Ngân luôn là người giáo viên gương mẫu tận tâm với nghề và nhiệt tình giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp, cô luôn được phụ huynh học sinh quý mến. Ngân thực sự là một tấm gương sáng cho các giáo viên trong trường học hỏi và noi theo”, cô Thắm cho hay.