Cách đó vài căn nhà là gia đình chị Ngô Thị Ánh, chị có 2 con là em Nguyễn Văn Tư và em Nguyễn Văn Sáng hiện đang theo học tại lớp học tình thương. Hàng ngày vợ chồng chị bơi ghe dọc theo các sông, kênh rạch để cắt lục bình, kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi gia đình. Với chị, các con được đi học để biết cái chữ là niềm mơ ước, chị chia sẻ: "Từ khi về đây sinh sống, đã được các chú bộ đội đến tuyên truyền, vận động cho con em đi học để biết cái chữ cái nghĩa, sau này lớn lên ra đời làm việc để không bị thua thiệt với người ta, bản thân nhận thấy việc biết chữ rất quan trọng. Cảm ơn các chú rất nhiều vì đã dạy cho con em cái chữ, còn tặng nhiều đồ dùng học tập cho các cháu".
Được biết, hầu hết các gia đình người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống nơi đây, đa số ở họ đều không biết chữ.
Trải qua sự nghèo khó, hơn nửa đời người mưu sinh vất vả khi không biết chữ, được sự tuyên truyền của cán bộ đồn Biên phòng Tuyên Bình, họ thấu hiểu hơn ai hết cái chữ cái nghĩa nó quan trọng như thế nào đối với cuộc sống, cũng như với bọn trẻ.
Trở lại lớp học tình thương, thấy chúng tôi, bọn trẻ nhanh nhẹn khoanh tay: “Con chào Thầy, chào chú ạ”. Dự buổi học, chúng tôi đứng phía cuối lớp, không gian yên lắng của một vùng biên giới bao nhường chỗ cho tiếng đánh vần ê a của bọn trẻ, tiếng gõ bảng hướng dẫn phát âm của người thầy mặc áo lính trên bục.
Trò chuyện với chúng tôi khi vừa kết thúc tiết dạy, “Thầy” Nguyễn Đình Thông chia sẻ: Thời gian không giảng dạy ở lớp, chúng em thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, cùng với đồng chí đồng đội tuần tra kiểm soát, bảo vệ biên giới. Khi đến thời gian đứng lớp, chúng em luôn đảm bảo duy trì xuyên suốt các buổi học cho bọn trẻ.
Khi được hỏi về những khó khăn khi phải vừa thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, vừa duy trì lớp học tình thương, dạy chữ cho các em, “thầy” Nguyễn Đình Thông kể: Thấy các em biết đọc biết viết từng ngày, không gì là hạnh phúc bằng. Không chỉ riêng bản thân, mà tất cả ai trong trường hợp như mình đều sẽ muốn “gieo con chữ” cho các em. Chỉ mong sao chúng tôi có thể dạy kiến thức và các kỹ năng sống cho các em được nhiều hơn nữa, để các em được như bao bạn bè cùng trang lứa.
Lớp học tình thương nơi đây được đồn Biên phòng Tuyên Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An quản lý, cắt cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đứng lớp giảng dạy từ năm 2013. Hiện có 4 thầy giáo “quân hàm xanh” tham gia giảng dạy cho 02 lớp với 36 em học sinh, các em được học 2 môn chính là Tiếng Việt và Toán theo kiến thức chương trình chính quy từ lớp 1 đến lớp 5.
Bên cạnh đó, đơn vị cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm thường xuyên thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ, động viên các gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều chương trình được tổ chức vào các dịp lễ, tết, mang đến cho các em học sinh lớp học tình thương nơi đây nhiều phần quà nhằm tạo niềm vui, động lực học tập cho các em, chia sẻ phần nào việc học của các em với các gia đình.
Chia tay “Thầy” Nguyễn Đình Thông khi kết thúc buổi học. Đêm trăng tròn mùa thu, gió mát vờn nhẹ lao xao trên những tán cây dọc hai bên đường biên giới, nụ cười nhẹ nhàng của người thầy giáo quân hàm xanh đan xen với hình ảnh lớp học tình thương hiện rõ trong tâm trí chúng tôi. Cảm ơn các anh, những người chiến sĩ quân hàm xanh với những đôi chân không mỏi, cảm ơn vì những điều tốt đẹp mà các anh đã mang lại, ngày mang súng và đêm cầm phấn, gieo tâm mình trên những trang vở các em.
Ngày mai, một buổi học tình thương lại bắt đầu trên vùng biên viễn...