Trường Chúa nhật dạy trẻ em những bài học nhân văn, tốt đẹp về cuộc sống. Ảnh minh họa |
Năm 1793, Katy bắt đầu mở trường học đầu tiên. Dù không biết đọc biết viết, cô đã thuộc lòng những câu chuyện trong Kinh thánh nên có thể dành hàng giờ say sưa kể cho lũ trẻ những bài học, ý nghĩa ẩn sau từng câu chữ.
Mỗi tuần, vào ngày Chủ nhật, Katy đưa gần 50 đứa trẻ sống lang bạt trên đường phố về nhà và dạy những bài học trong Kinh thánh lẫn kỹ năng thực tế trong cuộc sống. Cô tiếp tục thay chồng cưu mang những đứa trẻ không nơi nương tựa và cố gắng tìm nhà cho họ.
Sau này, khi quy mô lớp học được mở rộng, một mục sư tại nhà thờ địa phương đã đề nghị Katy mở lớp dưới tầng hầm nhà ông. Ông cũng kêu gọi một số thành viên của nhà thờ đến làm trợ lý thay Katy dạy lũ trẻ đọc, viết.
Kể từ đó, Katy chính thức mở ngôi trường nhỏ của riêng mình, gọi là Trường Sabbath Phố Muray. Nó tiếp tục hoạt động trong 40 năm và là trường Chúa nhật đầu tiên tại New York.
Trường Chúa nhật là tên gọi ban đầu của một loại hình giáo dục tôn giáo thường được tổ chức vào cuối tuần. Kể từ sau khi Katy mở trường đầu tiên, mô hình này đã được lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại New York. Đó là những ngôi trường đầu tiên dành cho trẻ em nghèo, trẻ em vô gia cư vì hoàn cảnh mà không thể đến trường.
Ban đầu, những ngôi trường này là do mục sư, con chiên tại các nhà thờ tổ chức nhưng dần dà được các mạnh thường quân ủng hộ. Họ thường dành những ngày cuối tuần đến quan sát lũ trẻ học bài. Khoản trợ cấp được dành để thuê giáo viên về dạy một cách bài bản.
Sau khi biết chữ, học viên được khuyến khích về hướng dẫn bố mẹ, thường là những người nghèo khó không được đến trường. Vì vậy, ở New York, Trường Chúa nhật còn được coi là mô hình hỗ trợ người nghèo, giúp cải thiện trình độ giáo dục và cơ hội việc làm của họ.
Với niềm tin rằng mọi đứa trẻ đều tiếp cận được giáo dục và an toàn, Katy không chỉ dạy những đứa trẻ vô gia cư về Kinh thánh mà còn hướng dẫn các em nhiều kỹ năng sống như cách chăm sóc bản thân, cách hành xử với mọi người xung quanh...
Ngôi nhà Katy Ferguson đi vào hoạt động từ năm 1920 tại Mỹ. |
Cô không phân biệt những đứa trẻ là da trắng hay da đen mà hỗ trợ các em như nhau. Mỗi buổi học, cô đều nói đến sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt nhằm xoá đi định kiến phân biệt chủng tộc trong những đứa trẻ.
Thời điểm đó, hầu hết các trường học tại Mỹ đều chia ra là trường dành riêng cho người da trắng hoặc trường dành cho người da màu gồm người châu Phi, người Mỹ gốc Phi, người Mexico... Tuy nhiên, lớp học của Katy có những màu da khác nhau và các em được dạy phải đối xử hoà đồng, yêu thương lẫn nhau.
Lớp học chủ yếu gồm ghi nhớ các bài thánh ca, Kinh thánh; học và thực hành những điều tốt đẹp được dạy trong Kinh thánh; trau dồi kỹ năng sống… Ngoài nỗ lực giáo dục những điều nhân văn cho trẻ em, Katy còn tổ chức các buổi cầu nguyện 2 lần một tuần để dạy lũ trẻ về lòng biết ơn, sự chia sẻ, cảm thông. Gần 50 đứa trẻ mà Katy thu nạp từ đường phố dần dần được cô tìm cho và gửi gắm đến những ngôi nhà phù hợp.
Katy Ferguson qua đời năm 1854 ở New York. Đến năm 1920, thành phố quyết định thành lập một trung tâm dành cho những bà mẹ chưa chồng và đặt tên là Ngôi nhà Katy Ferguson. Đây là nơi cưu mang, hỗ trợ và kết nối những người phụ nữ một mình nuôi con để họ cùng nhau san sẻ khó khăn, gánh nặng khi không có chồng ở bên.
Vì mù chữ, Katy không thể chia sẻ trải nghiệm của bản thân với công chúng nên bà hiếm khi được các nhà sử học nhắc đến. Sau này, khi Katy đã qua đời và những cống hiến âm thầm của bà được ghi nhận, người ta mô tả bà là “phục vụ nhu cầu của người nghèo trong thời đại mà người nghèo bị bỏ quên một cách triệt để”.
Cuộc đời của Katy không chỉ tạo tiếng vang từ việc thành lập Trường Chúa nhật đầu tiên tại New York mà còn đến từ việc cung cấp cho người nghèo nền tảng giáo dục cơ bản. Bà cũng là một trong những người đầu tiên chăm sóc những đứa trẻ vô gia cư, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải lang bạt trên đường phố và ăn trộm thức ăn. Bà giáo dục những đứa trẻ bằng tình yêu thương, sự tâm huyết bất chấp hoàn cảnh là một người không biết đọc, biết viết.