Văn hóa

Nhà báo viết văn: Nghề báo cho ta những góc nhìn sinh động

21/06/2024 08:30

Nghề báo cho ta những góc nhìn sinh động, khách quan... như vậy sẽ bổ trợ cho cả quá trình sáng tác văn chương', nhà báo, nhà thơ Lữ Mai tâm sự.

“Khi sự trải nghiệm được mở rộng, dù là theo cách nào, cũng đều tốt cho chúng ta. Nghề báo cho ta những góc nhìn sinh động, khách quan, phong phú cũng như sự dịch chuyển về địa lý, tư duy hay cập nhật về xu thế, xu hướng, ngôn ngữ mới... như vậy sẽ bổ trợ cho cả quá trình sáng tác văn chương”, nhà báo, nhà thơ Lữ Mai tâm sự với Báo Giáo dục và Thời đại.

Báo chí và văn chương cần sự tách bạch

- Xuất thân là một nhà báo, lý do gì khiến chị đặt chân vào địa hạt văn chương?

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai: Từ nhỏ tôi đã đam mê văn chương. Khi còn là một đứa trẻ, lớn lên giữa làng quê nghèo - nơi có bao nhiêu chuyện nên thơ, ấm áp… Tôi đã luôn tìm cách ghi lại những câu chuyện mộc mạc quanh mình.

Thuở ấy, trẻ em không có nhiều trò chơi, ngoài giờ học chủ yếu phụ giúp gia đình việc nhà nông, hòa mình với thiên nhiên… nên những câu chuyện cứ đầy lên theo năm tháng. Tôi lặng lẽ viết, ít khi chia sẻ với ai. Thỉnh thoảng có những thầy, cô giáo tâm huyết, giàu tình yêu thương đã khiến tôi tự tin “khoe” ra bí mật này.

Mọi người thường động viên: “Đây không phải nhật ký, mà là tác phẩm, hãy mạnh dạn gửi báo, đài đi”. Những tác phẩm văn chương đầu tiên của tôi được bắt đầu như thế. Sau này, học đại học, tôi cũng học chuyên ngành sáng tác và lý luận, phê bình văn học trước khi dấn thân vào nghề báo.

- Nhiều người nói nhà báo làm thơ, viết văn có nhiều lợi thế, chị có nghĩ thế không?

Tôi nghĩ rằng, khi sự trải nghiệm được mở rộng, dù là theo cách nào, cũng đều tốt cho chúng ta. Nghề báo cho ta những góc nhìn sinh động, khách quan, phong phú cũng như sự dịch chuyển về địa lý, tư duy hay cập nhật về xu thế, xu hướng, ngôn ngữ mới... như vậy sẽ bổ trợ cho cả quá trình sáng tác văn chương.

Minh chứng là tôi có những chuyến công tác với nhiệm vụ của báo chí, chẳng hạn đi biên giới, ra Trường Sa, song song với các tác phẩm báo chí đó còn là những tác phẩm văn chương nối nhau ra đời. Với tôi, báo chí và văn chương cần sự tách bạch. Nhưng về những bước đi, về cảm hứng, nhiệt huyết thì đôi khi là sự hòa quyện thật nhịp nhàng.

- Công việc của một nhà báo khá bận rộn - nhất là khi chị đang công tác tại Báo Nhân Dân, chị dành thời gian thế nào cho văn chương?

Tôi thuộc tuýp người làm việc khá khoa học. Mỗi ngày tôi đều có thời gian biểu để phân chia công việc gia đình, báo chí, văn chương và nhiều việc khác theo thứ tự đặt những gì cần thiết, ưu tiên lên hàng đầu.

Tôi không gặp khó khăn cho điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng, mọi người đều đang phải giải quyết công việc như tôi, thậm chí là áp lực hơn tôi.

Văn chương không phải việc quá cần thiết, chịu áp lực về thời gian, tiến độ nên tôi thường xếp sau việc gia đình, cơ quan. Nhưng bất cứ khi nào rảnh được một chút, tôi đều toàn tâm toàn ý cho cái nghiệp chữ nghĩa của mình. Nếu không đủ thời gian viết gì đó, tôi sẽ đọc một đoạn văn, một bài bài thơ ngắn như một cách cân bằng trong cuộc sống.

- Phong cách báo chí có phần khô khan, chính luận, trong khi văn chương bay bổng, lãng mạn. Chị dung hòa 2 xúc cảm này thế nào?

Chúng ta cần phân biệt rõ ràng về thể loại, về vai trò vị trí của mình trong từng thời điểm, công việc… tôi nghĩ giản dị vậy thôi. Ngay cả báo chí, cũng chia làm nhiều thể loại, chủ đề và có những yêu cầu khác nhau, ta cũng phải phân biệt rõ điều đó với chính báo chí.

Cách làm việc và cách sống của tôi nhiều khi không phải là cố dung hòa, mà là ý thức rõ mình đang làm gì, đang ở đâu mà tự nhủ hãy làm đúng “vai” của mình bởi mình đang gánh trách nhiệm đó.

- Những cuốn sách chị đã ra mắt: Hà Nội không vội được đâu, Thời cách ngăn trống rỗng, Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi, và đặc biệt là 3 tập trường ca chị viết trong 3 năm... có thể thấy nội dung rất đa dạng nhưng chưa có cuốn nào viết về chính công việc báo chí của mình. Chị có từng nghĩ sẽ viết một cuốn sách như thế không?

Các tác phẩm báo chí tôi tác nghiệp mỗi ngày và đều đã có kênh đăng tải, là tờ báo nơi tôi công tác và các báo tôi cộng tác. Tôi cũng may mắn nhận được những giá trị khác nhau từ báo chí. Do vậy, việc đăng tải thành sách với tôi không quá quan trọng nữa.

Tất nhiên, tôi luôn sẵn các bản thảo bút ký, phóng sự... về rừng, biển, nông thôn, thành thị... và chờ dịp thích hợp hoặc có đơn vị xuất bản mua bản quyền thì sẽ phát hành. Các tác phẩm văn chương mang đặc thù riêng, không phải lúc nào cũng được đăng tải, đến với bạn đọc... nên tôi dành sự chủ động, chăm chút đó cho văn chương trước tiên.

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai ký tặng sách cho bạn nhỏ.
Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai ký tặng sách cho bạn nhỏ.

Lao động chữ nghĩa… không dễ

- Gần đây, ngoài vai trò nhà báo, nhà thơ, nhà văn, thấy chị còn tham gia truyền hình. Chị có nghĩ mình đang “tham” quá không? Vì các cụ xưa từng nói “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” đó?

Sự thật là chúng ta vẫn đang sống và đều sẽ ý thức được mình còn sống hay không. Điều đó có lẽ quan trọng hơn việc người khác dặn gì, dạy gì, dù ta luôn trân trọng sự cảnh tỉnh, đúc rút kinh nghiệm một cách có hệ thống.

Tôi chỉ làm những việc mà tôi thấy phù hợp, mình cân đối được chứ không quá sức, vì quá sức thì sớm muộn gì ta cũng gục ngã thôi. Thú thực, cũng không ít khi tôi mỏi mệt, bởi cuộc sống nơi đô thị với một người có xuất thân nông thôn, miệt mài học tập và lao động chữ nghĩa thật không dễ dàng... Ngẫm lại, tôi thấy mình may mắn bởi còn có sức khỏe, trí tuệ, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè...

Quan trọng là sau khi cố thêm chút thì thấy mình ổn định, vững vàng dần. Chứ nếu cố mà gục thì không ai dám cố nữa...

Tôi cũng chưa bao giờ hài lòng về bản thân mình. Mà chưa hài lòng thì không có gì để tự hào cả. Thực sự là thế! Công việc nào tôi làm cũng có những thất bại, có những điều phải rút kinh nghiệm.

Chỉ có một điều khiến tôi không ân hận đó là lâu nay làm việc gì tôi cũng đã nỗ lực, đã chân thành, làm hết sức, tận tâm vào thời điểm ấy. Nên sau này, nhìn lại thành quả, tôi có thể phát hiện ra nhược điểm về nghiệp vụ nhưng chưa bao giờ có nhược điểm về cảm xúc, tâm huyết.

Dành cho gia đình nhiều thời gian nhất

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai.
Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai.

- Ôm đồm khá nhiều công việc như thế, chị dành thời gian cho gia đình thế nào?

Tôi vẫn luôn dành cho gia đình nhiều thời gian nhất có thể. Ở thành phố sôi động này, có lẽ ít gia đình ăn cơm ngày ba bữa với nhau, nhưng gia đình tôi thường thế và tôi đi chợ, nấu cơm.

Trước đây, khi còn công tác ở một tòa soạn khác, cách nhà hơn 10km, mỗi sớm tôi vẫn ăn xong bữa sáng mới đi làm, trưa về nấu cơm và đầu giờ chiều lại đi làm, chiều lại về cùng ông xã đón con dù việc ấy anh có thể làm một mình.

Nhiều khi tôi vẫn cố co kéo để thêm cho gia đình chút thời gian. Gia đình là thế giới hoàn toàn tự nguyện khi chúng ta muốn cống hiến, hy sinh. Nhưng cũng sẽ là gánh nặng nếu ta miễn cưỡng…

- Được biết, cả ông xã và con gái chị đều có “máu” văn chương. Ông xã có hỗ trợ chị trong nghệ thuật không?

Đôi khi chúng tôi gửi cho nhau các sáng tác và nhờ góp ý. Có những sự góp ý mang lại kết quả và cũng có lúc thì không. Dù vậy, việc chia sẻ được với nhau, chịu đọc cho nhau hay đặc biệt là chúng tôi trùng nhau tới khoảng 90% đồng nghiệp là điều hạnh phúc.

Với văn chương nghệ thuật, sự chia sẻ thiên về tinh thần nhiều hơn, còn chưa bao giờ chồng tôi đầu tư vật chất để tôi in ấn, phát hành tác phẩm hay làm gì đó khác. Đó là việc độc lập của mỗi người, làm được tới đâu thì làm theo nhu cầu và khát vọng của mình.

- Nhiều người sẽ tò mò một gia đình nghệ thuật thì cuộc sống sẽ rất lãng mạn. Điều này với gia đình chị đúng sai thế nào?

Chúng tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác, với đủ mọi cung bậc của đời sống. Lãng mạn là một góc nhỏ thôi, ta trân trọng và nuôi nấng nhưng đó không phải kim chỉ nam của gia đình tôi.

Gia đình tôi đặt sự mộc mạc, chân thành là yếu tố tiên quyết. Chúng tôi cũng có những lúc bất hòa, mâu thuẫn và không giấu con cái điều đó. Tôi hoàn toàn có thể nói với con: Bố mẹ như vậy vì bố mẹ có suy nghĩ, quan điểm khác nhau, con hãy cho bố mẹ thời gian để tìm hướng giải quyết…

Trước câu hỏi này của bạn, tôi đang nhìn khắp không gian gia đình tôi. Rất nhiều chiếc đồng hồ chạy cót đang tích tắc, những bông hoa thơm luôn khoe sắc mỗi ngày và sách vở, báo chí đôi khi hơi bừa bộn trong một trật tự chỉ người sống bên nó mới hiểu…

Mọi người tới đây thường thích thú, khen lãng mạn. Các đài truyền hình cũng thích quay cảnh giản dị này. Tôi chợt nhận ra, có thể đó là lãng mạn, nhưng nó quen thuộc quá, khiến ta cảm thấy bình thường như hơi thở, không thi vị hóa nó nữa.

- Cảm ơn chia sẻ của chị!

Bài liên quan
Cuốn sách NÓI HAY ĐỪNG và nhà báo LÝ SINH SỰ
(GDTĐ) - Năm 1994, trên mục Nói hay Đừng của báo Lao Động bắt đầu xuất hiện cái tên Lý Sinh Sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà báo viết văn: Nghề báo cho ta những góc nhìn sinh động